Sàng lọc bắt buộc đối với các lĩnh vực có rủi ro cao
Các quy định được đề xuất có nhiều lĩnh vực chiến lược, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, điện toán đám mây, robot, máy bay không người lái, thực tế ảo, cảm biến tiên tiến, mạng 6G, phản ứng tổng hợp hạt nhân, hydro, pin, giám sát không gian hay thiết bị quân sự… Dự luật mới nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bất kể quy mô hoặc nguồn gốc, đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, chuỗi cung ứng, thông tin nhạy cảm và đa dạng truyền thông.
Không chỉ các khoản đầu tư từ bên ngoài khối được giám sát chặt chẽ, mà dự luật còn mở rộng cảnh giác cả những khoản đầu tư ngay trong EU nhưng do một cá nhân hoặc pháp nhân không thuộc khối kiểm soát.
Theo các quy định được đề xuất, việc sàng lọc FDI vào các lĩnh vực có rủi ro cao sẽ trở thành bắt buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên EU. Tính đến thời điểm hiện tại, 4 quốc gia - Croatia, Bulgaria, Hy Lạp và CH Síp - thiếu hệ thống sàng lọc thích hợp, trong khi những nỗ lực của Ireland vẫn đang tiếp tục. Mục đích là tạo ra một cuộc đối thoại trên toàn EU, cho phép Ủy ban và các quốc gia thành viên đưa ra nhận xét và bày tỏ quan ngại trong quá trình xem xét. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc cho phép hoặc hạn chế đầu tư thuộc về chính quyền quốc gia chứ không phải EU.
Bối cảnh ra đời
Các đề xuất mới xuất phát từ Chiến lược An ninh kinh tế do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày vào tháng 6 năm ngoái, tập trung vào việc “giảm thiểu rủi ro” để đối phó với bối cảnh không khí chính trị toàn cầu đầy thách thức sau đại dịch Covid-19, chiến sự ở nhiều nơi trên thế giới... Brussels đặt mục tiêu ngăn chặn sự phụ thuộc lâu dài vào các sản phẩm quan trọng để hiện đại hóa khối, như vi mạch và pin, có khả năng gây tổn hại đến sự ổn định kinh tế của EU.
Bên cạnh đó, EU còn lo ngại rằng việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không cần xem xét kỹ lưỡng hơn có thể cho phép bên ngoài tiếp quản các công ty có giá trị, dẫn đến khả năng mất bí quyết độc quyền và về lâu dài làm suy yếu khả năng cạnh tranh của châu Âu.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề kỹ thuật số Margrethe Vestager nhấn mạnh EU dự định duy trì “cởi mở nhất có thể, chặt chẽ nhất có thể khi cần thiết”. Theo bà, các quy định được đề xuất không phải là tín hiệu của chủ nghĩa bảo hộ mà là một cách tiếp cận chiến lược để bảo vệ các lĩnh vực quan trọng, đồng thời thúc đẩy đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi ích của EU. Kể từ khi khối liên minh lá cờ xanh đưa ra các quy tắc sàng lọc FDI đầu tiên vào năm 2020, hơn 1.200 giao dịch đã được kiểm tra, trong đó Brussels đưa ra ý kiến trong chưa đầy 3% trường hợp.
Bà nói: “Có sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn thế giới đối với những công nghệ mà chúng tôi cần nhất”, “Và trong cuộc thi này, châu Âu không thể chỉ là sân chơi cho những cầu thủ lớn hơn. Chúng tôi cần có khả năng tự chơi”.
Mối quan tâm đầu tư ra nước ngoài
Trong khi EU đã có nhiều bước tiến trong việc giám sát các khoản đầu tư trong nước và kiểm soát trợ cấp nước ngoài, thì việc kiểm soát đầu tư ra nước ngoài vẫn còn ở mức tối thiểu, cho dù khối này là nhà tài trợ lớn nhất thế giới. Năm 2022, vốn FDI do các nhà đầu tư cư trú tại EU nắm giữ ở phần còn lại của thế giới lên tới 9,382 tỷ euro. Ủy ban châu Âu bày tỏ lo ngại rằng, việc thiếu kiểm soát trên có thể gây ra rủi ro an ninh khi các công ty EU tham gia vào các giao dịch ở nước ngoài liên quan đến các công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng để tăng cường năng lực quân sự và tình báo cho bên ngoài.
Dự luật được đề xuất là bước đầu tiên để giải quyết những lo ngại trên. Sau đó, các cuộc đàm phán giữa Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra tiếp theo. Tuy nhiên, quá trình này nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng do các cuộc bầu cử của EU sắp tới. Dự kiến, dự luật có thể được thông qua và đi vào cuộc sống vào cuối năm 2027.