Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 50 lần sử dụng cụm từ “Nhân dân” để làm nổi bật bản chất, vị trí, vai trò và sức mạnh của Nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Suốt chiều dài lịch sử, mục tiêu tối thượng của cách mạng Việt Nam là xây dựng một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.
“Cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khóa XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong giai đoạn mới” vừa là lời gửi gắm, vừa là giao nhiệm vụ của đồng chí Tổng Bí thư với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Hai, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời bản Hiến pháp đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tư tưởng cốt lõi xuyên suốt là các giá trị dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân là tôn chỉ hoạt động của các khóa Quốc hội.Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách là phương châm hành động của Quốc hội khóa XV được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và được chứng minhbằngkết quả hoạt động củacác kỳ họp trong nhiệm kỳ.
Theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước Kỳ họp thứ Sáu có 1.101 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội, được tổng hợp từ 63/63 báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, 47/63 báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội, 21 báo cáo của các tổ chức thành viên của Mặt trận, 20 ý kiến của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Từ Kỳ họp thứ Năm, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải: “Việc giám sát báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với cử tri và người dân, thể hiện những kiến nghị của cử tri đã được tập hợp, giải quyết. Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ buôn, làng, xã, nơi hẻo lánh đã được mang tới Hội trường Diên Hồng để thảo luận và từng vị trưởng ngành có những câu trả lời cho người dân”.
Trước Kỳ họp thứ Năm, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2.589/2.593 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đã được giải quyết, trả lời (99,8%); trước Kỳ họp thứ Sáu là 2.751/2.765 (99,5%). Những con số phản ánh niềm tin của cử tri và Nhân dân, mong chờ Quốc hội theo đến cùng với cử tri trong từng kiến nghị để được giải quyết; mỗi một kiến nghị được giải quyết thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội với cử tri và Nhân dân.
Phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ Sáu có 22 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận và 5 Bộ trưởng, Trưởng ngành giải trình từ chính sách vĩ mô, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền đến những kiến nghị cụ thể của người dân.
Trả lời phản ánh của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) về những khó khăn của người dân khi xin giấy chuyển viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: hiện nay Bộ đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử để giảm bớt những khó khăn, thủ tục cho người dân.
Thêm một đại biểu gần dân, tiếng nói của Nhân dân sẽ được truyền tải; thêm một Bộ trưởng có trách nhiệm, nguyện vọng của nhiều người dân sẽ được giải quyết. Tăng cường công tác giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri là biểu hiện tinh thần vì dân của Quốc hội. Nhiều năm gắn bó với công tác dân nguyện tại Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu: Việc báo cáo về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri là bước khởi đầu rất quan trọng và đến ngày hôm nay Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này là bước đi rất lớn.
Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau hơn 2 tháng triển khai, với 4 hình thức lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có hơn 12 triệu lượt ý kiến tham gia đóng góp vào các nội dung của dự thảo Luật.
Đánh giá về việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân một cách bài bản, khoa học, nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng khen ngợi.
Hơn 12 triệu ý kiến đóng góp của Nhân dân, 414 ý kiến tại Tổ, 155 ý kiến tại Hội trường, 16 đại biểu tranh luận và 24 đại biểu góp ý bằng văn bản sau 3 kỳ họp thường kỳ, là con số đánh giá sự quan tâm của cử tri và Nhân dân, của đại biểu Quốc hội đối với đạo luật quan trọng này. Kết quả lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội. Giải trình thuyết phục ý kiến Nhân dân về Luật Đất đai là nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh.
Phát huy quyền được biết của Nhân dân là biểu hiện rõ nét của công khai, minh bạch, là nguyên tắc, yêu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng nhà nước dân chủ để Nhân dân thực sự trở thành chủ nhân của quyền lực nhà nước. Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân là thông điệp mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu.
Thường xuyên theo dõi các kỳ họp Quốc hội nhiều nhiệm kỳ qua phương tiện truyền thông, kết thúc kỳ họp thứ Sáu, cử tri Vũ Tang Bồng (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) đánh giá: Mỗi kỳ họp của Quốc hội khóa XV đều có những cải tiến trong phương thức tổ chức, cách thức điều hành đến nội dung của từng phiên họp. Những cải tiến đó làm cho chất lượng, hiệu quả và sự tin tưởng của cử tri, Nhân dân đối với Quốc hội ngày càng được nâng lên qua mỗi kỳ họp. Ý kiến của cử tri đã được đại biểu Quốc hội thể hiện trong các phiên thảo luận tại Nghị trường. Những chính sách được Quốc hội ban hành sát với ý nguyện của Nhân dân, đáp ứng sự mong đợi của Nhân dân. Cử tri Vũ Tang Bồng mong muốn Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thi hành luật để điều chỉnh kịp thời, phù hợp với đời sống xã hội của Nhân dân.
Thể chế các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở cân nhắc, nghiên cứu kỹ lợi thế của từng địa phương nhằm phát huy cao nhất thế mạnh và đạt hiệu quả cao nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành 6 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương.
Là vùng đất du lịch gắn liền với giá trị lịch sử, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13.11.2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, năm 2022, Thừa Thiên Huế có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là tiền đề để đề ra mức tăng trưởng từ 9-10% trong năm 2023.
Sau khi được thành lập, Quỹ bảo tồn di sản Huế đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp, tiếp nhận hơn 7,5 tỷ đồng, hiện đã sử dụng để trùng tu công trình Lăng mộ Bà Từ Dũ - Người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất dưới thời nhà Nguyễn.
Quan tâm và đầu tư để phát triển, nâng tầm các giá trị văn hóa là bước đi bền vững mà Nhân dân và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Thừa Thiên Huế đang dần thay đổi diện mạo, “chuyển mình mạnh mẽ”, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc Huế.
Thực hiện nội dung: Hoàng Lan
Ảnh: Lâm Hiển
Hỗ trợ trình bày: Duy Thông