Thời gian thực hiện trình tự, thủ tục triển khai dự án bất động sản kéo dài
Trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Đoàn giám sát nêu rõ, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực và trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương với nhiều nội dung phức tạp đòi hỏi chuyên môn sâu. Đây cũng là vấn đề cũng được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2015 - 2023 có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 111.910.490m2 (trong đó, tổng số sản phẩm bất động sản đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 26.759.321 sản phẩm; tổng số sản phẩm bất động sản đang triển khai, chậm tiến độ hơn 11.404.332 sản phẩm); có 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700ha; có 347 dự án bất động sản được chuyển nhượng.
Tuy nhiên, qua giám sát, nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục để triển khai dự án (bao gồm cả thủ tục về đất đai, đầu tư, đấu giá, đấu thầu, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo vệ môi trường…) kéo dài.
Việc triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án còn khá phức tạp, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu liên thông, thời gian bị kéo dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai còn nhiều bất cập, việc giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai còn chậm, chưa đúng thời gian quy định. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, tinh thần, thái độ phục vụ chưa tốt, có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, có biểu hiện vụ lợi trong thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, chậm tiến độ dự án trở thành tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến phương án kinh doanh của chủ đầu tư và những khách hàng đã nộp tiền. Tại một số địa phương, nhiều dự án có thời gian triển khai thực hiện lên đến 10 - 20 năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch; có trường hợp thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai, cấp giấy phép xây dựng kéo dài đến 59 tháng; có trường hợp thực hiện đánh giá tác động môi trường mất gần 3 năm…
Mặt khác, Đoàn giám sát ghi nhận nhiều phản ánh của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại địa phương, việc thực hiện rà soát pháp lý đối với các dự án bất động sản, dẫn đến chậm xử lý các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đoàn giám sát nhận thấy, việc các địa phương thực hiện rà soát pháp lý đối với các dự án bất động sản trên địa bàn (về quy hoạch, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, nguồn gốc sử dụng đất, xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…) là thực hiện đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, công tác rà soát kéo dài, chưa có kết quả, dẫn đến ảnh hưởng hoạt động bình thường của dự án, chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng đã mua bất động sản; gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khách hàng đã mua bất động sản, nhất là khi nhiều chủ đầu tư và khách hàng mua bất động sản sử dụng nguồn vốn vay lớn.
Một số dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, vướng mắc rất khó tháo gỡ.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư
Với những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thực sự khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015-2023, bao gồm cả các văn bản mới được ban hành được Chính phủ nhận định là đã điều chỉnh các hạn chế, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, thuận lợi, ổn định, khả thi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là các quy định chuyển tiếp, bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng đất và các nguồn lực khác công bằng, công khai, hiệu quả.
Thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) bày tỏ thống nhất cao với nội dung khoản 1 Điều 2 tại dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là nội dung giao Chính phủ thực hiện ngay việc tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao trước ngày 1.12.2024. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm thực sự khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015 - 2023 bao gồm cả các văn bản mới ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và đời sống của người dân.
Cũng đồng tình với đề nghị của Đoàn giám sát về việc cần đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đánh giá, nội dung giao cho Chính phủ thực hiện ngay một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là vấn đề các cấp, các ngành ở địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đang rất mong mỏi, chờ đợi. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương và thường xuyên quan tâm thực hiện.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chú trọng chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó có công tác định giá đất, xây dựng bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan đến tài chính về đất đai, giá đất để duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.
Điều này cũng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.