ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ): Có chính sách cụ thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn mà nhiều quốc gia đang theo đuổi và sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.
Đối với nước ta, Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến 2030 sẽ đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả của mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Việc giao các trường đại học đào tạo với số lượng 50.000 nhân lực trong vòng 5 năm thì liệu các trường có đủ khả năng để đào tạo hay không? Trên cơ sở các chỉ tiêu đào tạo được giao thì không loại trừ trường hợp các trường tập trung cho chỉ tiêu giao, trong khi đào tạo ngành này phải bảo đảm chất lượng đầu vào, nếu chất lượng đầu vào không bảo đảm thì đầu ra sẽ không ổn định.
Do đó, tôi đề nghị đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có thể đào tạo từ nguồn tri thức tinh hoa, vì đội ngũ này mới có thể làm chủ tri thức hiện đại. Cần quan tâm đào tạo, chọn lọc những học sinh, sinh viên có năng lực vượt trội, nhưng như thế nguồn lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn mới bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách đột phá trong việc đãi ngộ, trọng dụng để dẫn dắt nền khoa học công nghệ nước nhà, nhất là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên): Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu, chuyển đổi xanh được xác định là một trong những động lực chính cho phát triển. Trong Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đề ra cho năm 2025 đều khẳng định hướng "chuyển đổi xanh" của nước ta.
Trước đó, tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã đưa ra các đánh giá thực tiễn dựa trên tình hình trong nước, thế giới để khẳng định mạnh mẽ hơn rằng, "tăng trưởng xanh” là cơ hội đột phá và hướng đi cho Việt Nam, đồng thời đưa ra các kiến nghị để tăng tốc cho tiến trình tăng trưởng xanh.
Có thể thấy, ở cấp độ Trung ương, chúng ta đã xác định rất rõ định hướng xanh, các mục tiêu, chỉ tiêu đã từng bước được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, các vùng gắn với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì “tăng trưởng xanh” dường như vẫn là một xu hướng của tương lai.
Để các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với tiến trình chuyển đổi xanh, đề nghị cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh. Mặc dù yếu tố bảo vệ môi trường đã được lồng ghép trong một số lĩnh vực như trong tiêu chí đấu thầu nhưng nội dung vẫn còn rất hạn chế và chỉ ở mức độ khuyến khích. Vì thế, cần sớm nghiên cứu ban hành các quy định này trong năm 2025, trước mắt ưu tiên xây dựng quy định về tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công; ưu tiên triển khai cho một nhóm sản phẩm công xanh, như tỷ lệ bắt buộc mua sắm các loại xe công phải sử dụng nhiên liệu sạch, bắt buộc mua sắm các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, bắt buộc xây dựng các công trình xanh khi xây mới các trụ sở.
Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật để bảo đảm việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng và thực thi, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ. Đây là bước đầu để xác định sản phẩm doanh nghiệp đã xanh hay chưa? Ví dụ, về chính sách dán nhãn sinh thái, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra quy định về nhãn xanh Việt Nam từ năm 2013, nhưng đến năm 2022, chỉ có 17 bộ tiêu chí sản phẩm được ban hành và chỉ có 112 sản phẩm được cấp nhãn. Trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024 đến nay chỉ có 5 hồ sơ đề nghị cấp nhãn sinh thái được tiếp nhận. Những con số này còn thấp so với tiềm năng.
Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thực hiện ngay để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, hướng đến đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sớm nhất.
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh): Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ
Trong 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đưa ra, tôi quan tâm đến nhóm giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Để góp phần thực hiện hiệu quả giải pháp này, đề nghị cần xác định rõ một trong 3 đột phá chiến lược đóng vai trò chìa khóa của sự phát triển, thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức. Đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn “dân số vàng”, đồng thời cũng nhằm tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Hiện nay, tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước và 69% năng suất lao động của doanh nghiệp FDI. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ lao động, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đặt hàng các doanh nghiệp lớn, khuyến khích họ tham gia từ khâu xây dựng chương trình, mục tiêu đào tạo, doanh nghiệp trở thành địa chỉ thực hành, là nơi giải quyết việc làm cho người học.
Quan tâm đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đây là mắt xích quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam được xếp hạng chỉ số chất lượng hạ tầng toàn cầu năm 2023 tăng 2 bậc và đứng thứ 52/185 quốc gia, chi phí logistics cũng đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao và chiếm tới 16,8 - 17% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, cần tháo gỡ cho doanh nghiệp logistics nội địa hiện chiếm 89% về số lượng nhưng chỉ chiếm 30% thị phần bằng việc chúng ta hoàn thiện đồng bộ 3 chân kiềng, đó là hạ tầng, nhân lực và cơ chế; ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ logistics xanh, công nghệ số hóa, miễn thuế cho doanh nghiệp logistics bên thứ ba cũng như miễn thuế cho doanh nghiệp phát triển cảng và đường thủy.
Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh, tin cậy, công bằng, minh bạch.