Bài 1: Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển

Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển
Bài 1: Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển -0
“Vốn bản chất là hiện thân của dân tộc, Quốc hội sẽ làm tất cả những gì mà Nhân dân mong muốn" câu trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Tờ Báo Thụy Điển La République ngày 23.12.1945 là sự khẳng định bản chất nền tảng và tôn chỉ hành động trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của Quốc hội Việt Nam. 
Ngày 29.11.2023, tiếng Quốc ca vang lên trong Hội trường Diên Hồng, kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV bế mạc, đánh dấu Quốc hội trải qua hành trình nửa nhiệm kỳ 2021-2026. Bằng những đổi mới, sáng tạo trong phương thức thực hiện, những quyết sách đã được thông qua, những vấn đề đã được giải quyết trong 6 kỳ họp thường lệ và 4 kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV đã chứng minh sự “hiện thân” của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.  Để “làm tất cả những gì mà Nhân dân mong muốn”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XV đã kế thừa và phát huy thành tựu của 14 nhiệm kỳ đã qua để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.  

Bài 1: Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển -0

Gần 80 năm, không kể giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ Quốc hội khởi đầu với nhiều khó khăn, thách thức như nhiệm kỳ khóa XV, khi cùng lúc phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, vừa bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng trong khó khăn, càng phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần đồng thuận, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đối mới để thích nghi, đổi mới để phát triển trở thành phương châm hành động và được thực hiện trên các phương diện hoạt động của Quốc hội khóa XV. Với cử tri và Nhân dân, kết quả của hành trình đổi mới được hội tụ và thể hiện rõ nét thông qua các kỳ họp Quốc hội, nơi diễn ra hoạt động tập thể đại diện cho ý chí toàn dân.

 HOẠT ĐỘNG ĐẠI DIỆN CHO Ý CHÍ TOÀN DÂN

Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Quốc hội, là nơi tập trung quyền lực nhà nước, của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội thảo luận, ban hành chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Với ý nghĩa đó, đổi mới hoạt động của kỳ họp Quốc hội luôn là vấn đề được quan tâm qua mỗi nhiệm kỳ, vì đó không chỉ là nơi tập hợp trí tuệ của các đại biểu Quốc hội và hơn hết, đó là nơi diễn ra hoạt động tập thể đại diện cho ý chí toàn dân.  

Dù diễn ra khi đất nước có chiến tranh hay hòa bình, trong thời gian ngắn hay dài, như đã thành thông lệ “xuân thu nhị kỳ”, cử tri và Nhân dân cả nước luôn hướng về Hội trường Ba Đình (nay là Hội trường Diên Hồng) để dõi theo hoạt động của các đại biểu, dõi theo diễn biến ra đời các quyết sách về các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc. 

Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển

 QUYẾT SÁCH MỞ ĐƯỜNG TỪ KỲ HỌP ĐẦU TIÊN

Trong bối cảnh cả nước bước vào đợt cao điểm chống dịch COVID-19, Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV được triệu tập để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 – 2026. Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ, không ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành nội dung chương trình với chất lượng tốt nhất, trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.  

Đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 được Quốc hội bổ sung và thông qua tại kỳ họp, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Không chỉ là một chính sách, Nghị quyết số 30/2021/QH15 còn là một sáng kiến lập pháp đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã là tiền đề pháp lý để Việt Nam vượt qua những khó khăn trong năm đầu nhiệm kỳ 2021 -2026.  

Bài 1: Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển -0

Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển

Với quyết định chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid - 19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021, đến tháng 3.2022 Việt Nam là quốc gia “đi sau- về trước", trở thành 1 trong 6 quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine Covid - 19 cao nhất thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều quốc gia đối mặt với mức tăng trưởng âm thì việc thực hiện các giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,58% vào năm 2021. 

Ghi nhận những nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ, tại phiên họp ngày 07.01.2023 của Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá: Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã định khung, định hình đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả đã quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch.  

 LỢI ÍCH, AN TOÀN CỦA NGƯỜI DÂN LÀ ĐỘNG LỰC ĐỔI MỚI

Để thích ứng nhanh nhạy với điều kiện thực tiễn, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV được tổ chức với hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp là giải pháp hữu hiệu để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo địa phương vừa tham dự kỳ họp vừa trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch.  

Chủ động rút ngắn thời gian so với kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, với những đề xuất đổi mới phù hợp với cách thức họp trực tuyến, sau 16 ngày làm việc, có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 08 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể, với 02 dự án luật và 12 nghị quyết được thông qua, 05 dự án luật được cho ý kiến. Những con số “biết nói” đã minh chứng hiệu quả thiết thực của cách làm mới, tiếp tục khẳng định bước tiến trong việc xây dựng Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, đặt lợi ích và sự an toàn của người dân làm mục tiêu tối thượng. 

Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển

Từ hiệu quả thiết thực đó, việc chia thành hai đợt trong một kỳ họp được kế thừa, áp dụng tại Kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu. Các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo địa phương đánh giá: Phương pháp này vừa bảo đảm công việc họp Quốc hội chất lượng, hiệu quả, đồng thời vừa bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương kịp thời. Bên cạnh đó, khoảng thời gian nghỉ giữa kỳ đã giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan trình dự án luật, nghị quyết của Quốc hội tiếp thu đầy đủ, thấu đáo, thận trọng để bảo đảm chất lượng, tính khả thi các quyết sách.  

 TỪ NHỮNG KỲ HỌP BẤT THƯỜNG THÀNH BÌNH THƯỜNG

Quốc hội khóa XV đi vào lịch sử hoạt động Quốc hội Việt Nam với dấu ấn là nhiệm kỳ đầu tiên tổ chức kỳ họp bất thường để kịp thời giải quyết những yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng. Đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức 4 kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua 02 luật, 07 nghị quyết. Trong đó có những nội dung quan trọng, chưa có tiền lệ như Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thể chế hóa kết luận của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. 

Bài 1: Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển -0

Việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội. Đánh giá kết quả 4 kỳ họp bất thường trong nửa nhiệm kỳ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: Việc tổ chức kỳ họp bất thường là kinh nghiệm quý để tiếp tục cụ thể hóa định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp, hướng đến một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách thay vì phải chờ đến kỳ họp thường kỳ.

Bài 1: Đổi mới để thích nghi, Đổi mới để phát triển -0

Bày tỏ quan điểm về việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Những quyết sách kịp thời của Kỳ họp là cơ sở, động lực để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm của đất nước, đồng thời thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.  

Kịp thời, kỹ lưỡng và phát huy tối đa trí tuệ tập thể của đại biểu là những giá trị có được từ những đổi mới trong cách thức tổ chức các kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Những đổi mới để thích nghi với điều kiện khách quan đã được khẳng định, trở thành dấu ấn của Quốc hội khóa XV và được quy phạm hóa tại Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15.11.2022 ban hành về Nội quy kỳ họp của Quốc hội để áp dụng trong điều kiện bình thường.

Được thừa nhận từ thực tế, có sơ sở pháp lý thực thi, sẽ là động lực để các kỳ họp Quốc hội tiếp theo trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và các nhiệm kỳ sau hoạt động hiệu quả, thiết thực, chất lượng hơn, ngày càng xứng đáng là diễn đàn dân chủ, pháp quyền được cử tri và Nhân dân cả nước mong chờ.

Thực hiện nội dung: Hoàng Lan
​​
Ảnh: Lâm Hiển
Hỗ trợ trình bày: Duy Thông