Với đồng cảm và khát khao chia sẻ, chuyến đi của bà Đặng Thị Hiền cùng tổ chức Vì Hoà bình Nhật Bản (Peace Winds Japan) không chỉ mang theo những món quà vật chất mà còn gửi gắm yêu thương, lan tỏa hy vọng đến những mảnh đời nhỏ bé vùng lũ Văn Chấn, Yên Bái.
Cơn bão Yagi đã qua gần 2 tháng, nhưng những dư chấn của lũ lụt vẫn hằn in trên mảnh đất Văn Chấn, Yên Bái. Những con đường gập ghềnh, những ngôi nhà tan hoang và những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác, đói rét khiến ai cũng nghẹn lòng. Không chỉ thiếu thốn vật chất, các em nhỏ nơi đây còn đối diện với nỗi lo thiếu sách, thiếu đồ dùng học tập – những thứ vốn là hành trang cho con đường đến trường.
Hai tháng trước, trong chuyến đi cứu trợ sau cơn bão số 3, bà Đặng Thị Hiền – đại diện tổ chức Peace Winds và tổ chức Sugi Ryotaro tại Việt Nam cùng các cộng sự đã mang theo 1.000 phần quà và nhiều nhu yếu phẩm khác tặng cho bà con 4 vùng bị thiệt hại nặng nề sau cơn lũ gồm thôn Bái Dương, TP. Yên Bái; thôn Phúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên. Sau chuyến đi đó, bà hứa sẽ quay trở lại, để giúp các em nhỏ nơi đây.
“Khi nhìn những đứa trẻ co ro trong giá rét, mắt sáng lên khi nhận được những cuốn sách và tập vở mới, tôi đã tự hứa sẽ quay lại,” bà Hiền chia sẻ.
Và đúng như lời hứa, cuối tuần vừa qua, bà Hiền cùng tổ chức Peace Winds tiếp tục hành trình trở lại Văn Chấn. Lần này, mục tiêu là hỗ trợ trực tiếp các em học sinh tại ba trường tiểu học: Nậm Lành, Nậm Mười, và Suối Quyền, với tổng cộng 1.131 phần quà, bao gồm sách vở, cặp sách, và đồ dùng học tập, đã được trao tận tay các em học sinh tại 3 trường: Tiểu học Nậm Lành (419 suất quà); Tiểu học Nậm Mười (368 suất quà); Tiểu học Suối Quyền (344 suất quà).
Thầy Dương Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Lành cho biết, cơn lũ sau bão Yagi đã tàn phá nặng nề xã Nậm Lành, cuốn trôi đồ dùng của nhiều gia đình, khiến việc học hành của học sinh gặp khó khăn. “Những món quà như cặp sách, vở, bút, không chỉ giúp các em đủ dụng cụ học tập mà còn là nguồn động viên tinh thần để các thầy cô và học sinh vững tâm lên lớp”, thầy Trường chia sẻ.
Tuy nhiên, thầy Trường cũng bày tỏ lo lắng về tương lai của gần 300 học sinh nội trú khi xã Nậm Lành hoàn thành chuẩn nông thôn mới. Điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ không còn được nhận hỗ trợ kinh phí nội trú. “Đường đến trường của các em xa và khó khăn. Nếu không có sự giúp đỡ, chúng tôi thực sự không biết làm cách nào để các em tiếp tục đi học”, thầy Trường bộc bạch.
Không chỉ tại Nậm Lành, học sinh xã Nậm Mười và Suối Quyền cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Sau cơn bão, nhiều em mất sạch sách vở, vật dụng học tập.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Mười, thầy Trần Thanh Sơn, cho biết, những món quà từ tổ chức Peace Winds là cứu cánh quý giá, giúp các em tạm thời vượt qua khó khăn hiện tại.
Với tấm lòng đau đáu dành cho trẻ em, nhớ đến những năm tháng tuổi thơ khó khăn của chính mình, bà Đặng Thị Hiền luôn tâm niệm: “Mỗi khi có cơ hội, tôi đều mong muốn quay về giúp đỡ những nơi còn khó khăn, bởi vì tôi hiểu cảm giác thiếu thốn của các em nhỏ.”
Tổ chức Peace Winds cũng ghi nhận nhiều trẻ nhỏ vẫn e dè đến lớp. Thầy cô phải đến tận nhà động viên, thậm chí chí chăm lo cho các em như chính con mình. Bà Hiền chia sẻ, với vai trò cầu nối của Tổ chức Vì hòa bình tại Việt Nam, bà sẽ nỗ lực hơn nữa để trẻ em vùng khó không còn thiếu sách, vở quần áo và có những bữa ăn đủ đầy hơn.
Tấm lòng nhiệt thành của bà Hiền và các tổ chức thiện nguyện đã lên ngọn lửa hy vọng nơi vùng lũ, để những bước chân nhỏ bé thêm vững chắc vàng trên hành trình học tập.
Không chỉ trao quà, bà Đặng Thị Hiền và tổ chức Peace Winds còn mang đến sự đồng cảm và quyết tâm đồng hành cùng các em nhỏ. Cùng với vai trò đại diện tổ chức Sugi Ryotaro tại Việt Nam, bà hiểu rõ những khó khăn chồng chất mà các gia đình vùng lũ phải đối mặt. “Tôi từng trải qua những năm tháng thiếu thốn, nên khi nhìn các em, tôi như thấy lại tuổi thơ của mình. Đó là động lực để tôi trở lại và làm nhiều hơn nữa.”
Theo bà Hiền, nhiều em nhỏ vẫn chưa thể tự tin đến trường. Các thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn trở thành những người cha, người mẹ, tận tụy chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, vận động từng em đến lớp. Điều này khiến bà càng trăn trở về những giải pháp bền vững giúp các em vượt qua khó khăn.
Sự đồng hành của những tấm lòng nhân ái như bà Hiền và tổ chức Peace Winds là nguồn động viên to lớn, thắp sáng hy vọng nơi vùng cao nghèo khó. Để mỗi trẻ em, dù ở đâu, cũng được chạm tay tới giấc mơ học tập, vượt qua nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.
Đối với bà Đặng Thị Hiền, những hành trình thiện nguyện không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm huyết. Là đại diện của tổ chức Peace Winds tại Việt Nam và tổ chức Sugi Ryotaro – do cố vấn đặc biệt của Bộ Y tế Nhật Bản sáng lập, bà Hiền cho biết, bà và các cộng sự sẽ tiếp tục nỗ lực để không chỉ giúp trẻ em có đủ sách vở, quần áo mà còn cải thiện điều kiện sống, đảm bảo các em được học tập trong môi trường tốt hơn.
Hành trình thiện nguyện của tổ chức Peace Winds và bà Đặng Thị Hiền đã để lại không chỉ những món quà vật chất mà còn là niềm tin, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho các em nhỏ vùng bão lũ. Câu chuyện ở Văn Chấn, Yên Bái, không chỉ là hành trình mang niềm vui mà còn là bài học về tinh thần nhân ái và trách nhiệm xã hội.