Đề xuất cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo
Quan tâm đến quảng cáo trên báo in, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in chưa giải quyết căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong thực hiện tự chủ tài chính.
Vì vậy đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu lược bỏ các phương án quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống, để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Dự thảo Luật quy định: “Diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”. Theo ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và đối mặt với rất nhiều khó khăn khi số lượng người xem sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư nhiều vào các hoạt động quảng cáo trên các phương tiện này. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải áp dụng mọi biện pháp để tăng nguồn thu cho đơn vị, trong đó có biện pháp tối ưu hóa lợi nhuận từ các hoạt động quảng cáo. Đây là nguyện vọng chính đáng mà luật cần phải cân nhắc để điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của Luật Quảng cáo năm 2012, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy "là quá cao, không chỉ có ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống mà còn gây phản ứng trái chiều từ phía độc giả". Đại biểu đề xuất: “Diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một ấn phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”.
Tranh luận về nội dung này, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chỉ rõ, "hiện nay các cơ quan báo chí khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo trên báo in mà khó nhất là thiếu quảng cáo. Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều lựa chọn khác, hiệu quả hơn so với quảng cáo trên báo in. Bây giờ, các đoàn tàu đang thiếu khách thì giải pháp chúng ta đưa ra lại là tăng thêm toa tàu, trong khi phải là "thúc đẩy thêm khách đi tàu".
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng cho biết, "rất ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí được tự chủ diện tích quảng cáo" bởi "thị trường có thể biến động, sau này quảng cáo lại tăng lên"; đồng thời đề xuất, các báo do ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc báo đặc thù thì luật có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, còn lại nên quy định theo hướng cởi mở, đúng với bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, bạn đọc tinh tường sẽ lựa chọn những sản phẩm đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội.
Ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo với từng loại hình báo chí
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng, việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, giúp các cơ quan này tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn.
Nhấn mạnh, quan trọng vẫn phải là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo, chứ không chỉ tăng diện tích và thời lượng quảng cáo quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu, quyền lợi của bạn đọc, cũng như bạn xem đài, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị, “cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau, nghiên cứu quy định bảo đảm số lần ngắt cũng như thời gian quảng cáo tối đa trong các chương trình giải trí, phim truyện một cách hợp lý trên cơ sở vừa tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, vừa phải hài hòa và đảm bảo quyền lợi cho bạn đọc cũng như bạn xem đài”.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) thống nhất quy định tăng diện tích quảng cáo với các cơ quan báo chí, nhất là trong điều kiện hiện nay, hệ thống báo chí truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo in bị sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, tạo áp lực rất lớn đối với các hoạt động báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ ra nguyên nhân sụt giảm, trong đó nguyên nhân chính là quảng cáo trực tuyến với lợi thế áp đảo về công nghệ, tiếp tục thu hẹp vùng quảng cáo của các cơ quan báo chí, chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay. Tuy nhiên, quảng cáo phụ thuộc vào doanh nghiệp, họ có quyền book trên các loại hình truyền thông mà đa số người dân tiếp cận, trong đó có các nền tảng xã hội.
Đại biểu cũng lưu ý việc quản lý quảng cáo trên nền tảng số, trong đó, đa số là của các doanh nghiệp nước ngoài; một số nội dung quảng cáo chúng ta không quản lý, kiểm duyệt được vẫn tồn tại trên mạng, không được gỡ, gây ảnh hưởng đến nhân cách trẻ em và một số vấn đề khác. Vì vậy, cần rà soát các luật liên quan trong quản lý, xử lý, có các giải pháp cụ thể nhằm gỡ bỏ thông tin xấu, độc.
Giải trình tại phiên họp của Quốc hội về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí lớn để lắng nghe, tiếp thu, thảo luận ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ cố gắng bảo đảm được lợi ích của các cơ quan báo chí, đồng thời không ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng.
“Một số đại biểu đề nghị nên chuyển cho cơ quan báo chí chủ động, tự làm. Đây là một ý kiến đang được xem xét khi chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường. Sắp tới đây, Đảng và Nhà nước đang làm cuộc cách mạng về tổ chức, trong đó có sắp xếp lại các cơ quan báo chí, chắc chắn là cũng phải tính toán làm sao đó để cho đảm bảo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.