Trưởng phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư Pháp tỉnh Kon Tum PHẠM VĂN CHUNG:
Các đại biểu rất trách nhiệm, tâm huyết, sâu sát thực tế
Qua theo dõi các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21.6, tôi nhận thấy nhiều ý kiến thảo luận, tham gia đóng góp rất trách nhiệm, tâm huyết, sâu sát thực tế.
Có đại biểu cho rằng việc xác định giá đất theo giá tiệm cận với giá thị trường rất khó triển khai áp dụng trên thực tế, tôi cho như vậy là rất xác đáng. Bởi vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đang có khoảng cách rất lớn nên cần phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ để đưa vào luật.
Bên cạnh đó, tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng nên phân đất đai thành 2 nhóm trong quá trình định giá đất gồm: nhóm đất đai với quyền sử dụng đất là hàng hóa cần tính toán theo cơ chế thị trường với các phương pháp phù hợp; nhóm đất đai là tư liệu sản xuất cần tính toán theo khung giá để bảo đảm ổn định, công bằng, thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất, không định giá đất theo quy mô, diện tích, nội dung dự án đầu tư... Bởi thực tế, có loại đất chủ yếu dùng để kinh doanh, sinh lợi nhuận nhưng có loại đất chủ yếu phục vụ sản xuất, canh tác là nguồn sống của người dân. Khi phân ra 2 nhóm đất để phục vụ cho việc thu hồi hợp lý hơn, nếu là đất hàng hóa thì chỉ cần tính bồi thường bằng tiền, ngang giá, hợp lý; còn đất là tư liệu sản xuất, ngoài bồi thường bằng tiền còn phải tính phương án tái định cư, sinh kế cho người dân nữa.
Đặc biệt, tôi ấn tượng với phát biểu của đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum), khi cho rằng hiện hầu hết diện tích đất nông nghiệp đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các chủ sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai; diện tích đất chưa sử dụng phần lớn là đất dốc đã qua sử dụng để canh tác nương rẫy, chất lượng đất bị suy giảm. Do đó, nhằm thể chế hóa nội dung: “Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất; chính sách tài chính về đất đai phù hợp đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022, cần sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật. Theo đó, quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng mở rộng đối tượng đồng dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, TS. HUỲNH THANH HIẾU:
Ý kiến của cử tri đã được tiếp thu, chuyển tải
Theo dõi phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tôi nhận thấy các đại biểu rất tâm huyết và thể hiện trách nhiệm cao. Thực tế, trong thời gian diễn ra các hoạt động lấy ý kiến Nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các địa phương, tôi nhận thấy, một trong những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm là các trường hợp thu hồi đất.
Cụ thể, về trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác, tôi hoàn toàn đồng ý với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi đánh giá: dự thảo chưa làm rõ được tính chất công - tư cụ thể như khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại mà Nhà nước thu hồi đất còn quy định chung chung, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không... Vì thực tế, phạm vi thu hồi rộng, không rõ tính chất công - tư, không rõ thế nào là “thật cần thiết” nên việc thu hồi đất thời gian qua để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhà nước đứng ra thu hồi đất với những dự án do tư nhân đầu tư thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, gây bức xúc, bất bình, khiếu kiện và không bảo đảm công bằng trong tiếp cận đất đai...
Như vậy có thể thấy, các đại biểu đã chuyển tải được ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong suốt thời gian qua. Điều này cũng cho thấy các ý kiến góp ý của cử tri đã được các đại biểu nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và chuyển tải tới nghị trường.
Cử tri TRẦN LAN HƯƠNG, Quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội:
Phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai
Như chúng ta đã biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc; là không gian sinh tồn, sinh sống của các cộng đồng dân cư gắn liền với từng gia đình, mọi người dân; là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng đất đai như trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”... Theo đó, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án luật thu hút được nhiều sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân cả nước thời gian qua.
Theo dõi phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cho rằng các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội đã “chạm” được vào những vấn đề sát sườn nhất với đời sống người dân như: việc thu hồi đất tại các khu kinh tế, định giá đất,thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay như các phương pháp xác định giá đất…
Cụ thể, liên quan đến vấn đề định giá đất, tôi đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho rằng: giá đất và định giá đất là một trong những nội dung mới, quan trọng của dự thảo luật, có tác động lớn tới công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội cũng như quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, việc định giá đất còn mang tính định tính, không tách bạch được giá đất theo loại đất, cùng một loại đất, điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội như nhau lại có thể có giá khác nhau. Do đó, việc định giá đất cần được nghiên cứu, đánh giá lại một cách bài bản và sát thực tế, cần quy định rõ những nội dung trong dự thảo luật để bảo đảm phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước.
Tôi cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu khi chỉ ra rằng mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, song vẫn còn nhiều vấn đề, nội dung cần thảo luận để làm rõ, hoàn thiện hơn nữa. Qua đó, nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong lĩnh vực này.