Trong quá trình hợp tác lao động giữa hai nước, Hàn Quốc luôn coi trọng, đánh giá cao thị trường Việt Nam. Bằng chứng là khi Hàn Quốc triển khai chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) năm 2004, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được chọn tham gia. Tuy nhiên, việc quá nhiều người Việt Nam bỏ trốn buộc Hàn Quốc đưa ra các biện pháp cứng rắn.
Theo thống kê, năm 2012, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng, ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 55,76%. Trước tình hình này, Hàn Quốc đã tạm thời dừng thực hiện Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động Việt Nam. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm xuống còn 47%, và 35% vào cuối năm 2015. Tháng 5.2016, Hàn Quốc quay lại với Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động Việt Nam trong 2 năm, thì đến tháng 5.2018, tỷ lệ này lại tăng lên tới gần 40%. Có những địa phương như huyện Tương Dương (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… 100% người lao động hết hạn hợp đồng từ 1.1.2017 nhưng đến 31.3.2018 vẫn chưa về nước. Trong khi đó, gần 50.000 lao động trong nước đang xếp hàng chờ sang Hàn Quốc.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở riêng Hàn Quốc, mà còn ở nhiều thị trường lao động khác. Nguyên nhân là bởi mức lương ở các quốc gia này khá cao. Tại Hàn Quốc, thu nhập trung bình của người lao động từ 25 - 30 triệu đồng, thậm chí đến 40 - 50 triệu đồng/tháng. Nhiều ông chủ nước sở tại chấp nhận sử dụng lao động bất hợp pháp vì không mất thuế, công đào tạo… Trong khi đó, để được đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải bỏ ra chi phí không nhỏ nên phần lớn đều có tâm lý cố ở lại để kiếm thêm, dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Và có lẽ trở ngại lớn nhất với họ là nỗi lo khi về nước sẽ khó tìm được việc làm phù hợp, khó có được mức lương như ở nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng cam kết vì thu phí của người lao động quá cao. Chưa kể, một số doanh nghiệp tuyển lao động qua các khâu trung gian nên không kiểm soát chất lượng người lao động; chưa chú trọng tuyên truyền để người lao động tuân thủ quy định, về nước khi hết hạn hợp đồng.
Mặc dù biện pháp ký quỹ áp dụng từ năm 2013, tuy nhiên lao động đi làm khoảng nửa năm là bù lại được tiền ký quỹ hay tiền phạt. Nếu ở lại càng lâu, số tiền kiếm được càng nhiều. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ trong hành lang pháp lý, thủ tục trình tự xét xử phức tạp, việc tìm kiếm lao động bỏ trốn ở nước ngoài để đưa ra tòa không đơn giản, cho nên đến nay hầu như chưa có trường hợp lao động bỏ trốn nào bị đưa ra tòa. Thực tế này đã đẩy thị trường xuất khẩu lao động vào những khó khăn mới. Nếu không có biện pháp hiệu quả, sẽ phá vỡ kế hoạch xuất khẩu lao động, người lao động sẽ tự “trói mình” trước những cơ hội mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế lao động bỏ trốn bất hợp pháp, cần siết lại quy định tuyển chọn lao động, nâng mức chế tài không chỉ đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn cũng như thu phí cao hơn mức quy định của pháp luật, mà với cả người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp. Ngoài ra, cần quan tâm tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước, nên chăng gắn trách nhiệm với chính các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.