Lý do là bởi từ 0h ngày 16.2 đến hết ngày 15.3, thành phố vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển nhằm tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan sớm tiếp cận với hệ thống thu phí trước khi vận hành hệ thống thu phí chính thức từ 0h ngày 1.4. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ ngày 1.7.2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1.10.2021 sau đó lùi đến 1.4.2022 để giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch.
Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển áp dụng với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu là 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài thành phố sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại thành phố áp dụng mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, với sản lượng hơn 170 triệu tấn hàng mỗi năm, thành phố kỳ vọng sẽ thu khoảng 3.000 tỷ đồng từ phí sử dụng công trình, hạ tầng tại cảng biển đối với hàng hóa. Khoản kinh phí này sẽ sử dụng để tái đầu tư, phát triển hạ tầng các tuyến đường ra, vào cảng nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe trong điều kiện thành phố đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư công sau đại dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Công thương đã đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh tham khảo đầy đủ ý kiến các bộ, ngành có liên quan cũng như các hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để bảo đảm hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế. Các hiệp hội nói trên thì cho rằng, mức thu phí cảng biển dự kiến từ 1.4 là chưa hợp lý và kiến nghị dời đến hết 31.12 để doanh nghiệp tránh rơi vào khó khăn, kiệt quệ.
Theo các hiệp hội này, nửa năm 2021, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh, trong khi phải chi trả nhiều khoản. Từ tháng 10.2021, khi thành phố mở cửa trở lại, doanh nghiệp cũng hoạt động cầm chừng do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Đến đầu năm 2022, doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất - nay lại phải chịu thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, giá xăng dầu, nguyên liệu tăng... trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu vốn, thiếu công nhân. Bởi vậy, việc thu phí thời điểm này là chưa phù hợp, hơn nữa, mức phí cũng chưa công bằng, tạo thêm gánh nặng và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính... Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch, dẫn đến việc “phí chồng phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu...
Trên thực tế, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như một số điều ước quốc tế khác mà nước ta đã ký kết và tham gia có một số quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng như các khoản thu khác được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và quá cảnh. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, rõ ràng việc thu các khoản phí này cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tinh giản biên chế hơn 78 nghìn người
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư. Theo đó, tính đến 30.6.2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP của Chính phủ ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người, trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.