Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư tận dụng giai đoạn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để mua gom, phân lô bán nền không đúng quy định để thu lời bất chính. Ngoài ra, một số nơi thực hiện chưa nghiêm các phiên đấu giá. Có hiện tượng để lộ thông tin, thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá và người tham gia... Hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương đã làm mất ưu thế thu hút vốn đầu tư, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng "sốt đất". Điều đáng nói là tình trạng này chủ yếu là "sốt ảo", do "cò đất" lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá. Về lý thuyết sốt đất là hiện tượng giá đất tăng đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, những "cơn sốt thật" này rất dễ trở thành "sốt ảo" khi giá đất không phản ánh đúng giá trị và nhu cầu thực tế mà chỉ dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi...
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì cho rằng, đầu tư "lướt sóng" theo đám đông là nguyên nhân gây ra những cơn "sốt ảo", đẩy giá nhà đất tăng nhanh và tăng cao so với giá trị thật, dẫn đến hỗn loạn thị trường. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, lợi dụng nhu cầu đầu tư có thật đã xuất hiện các thông tin không đúng về các quy hoạch và dự án để mua bán đất không đúng, không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại các địa phương để quản lý tốt hơn hoạt động đấu giá đất, ngăn ngừa những bất thường về giá đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khuyến cáo địa phương thực hiện nghiêm chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý chặt việc tách thửa... nhằm thu thuế bất động sản, kiểm soát giao dịch ảo giá đất, bất động sản.
Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương thời gian qua chủ yếu xuất phát từ các chủ trương quy hoạch, đầu tư của doanh nghiệp và Nhà nước chứ không phải dựa trên các căn cứ về quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng này, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó quy định cụ thể hơn về đấu giá tài sản quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cần rõ ràng, minh bạch thông tin về quy hoạch; gắn trách nhiệm của địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn và hệ thống pháp luật phải hoàn thiện hơn, có chế tài xử lý, điều chỉnh các dấu hiệu, hiện tượng bất thường.
Tại Hội thảo Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19: Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình kể rằng nhà đầu tư từng tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp gọi điện đề xuất rằng "để tôi về đấu giá, nâng giá đất tỉnh anh lên"... Tuy nhiên, câu trả lời là không cần nâng giá bởi việc đấu giá không đúng sẽ khiến giá đất ngày càng tăng, trong khi theo quan điểm của ông, nguồn lực đất đai không phải được đo đếm bằng nguồn thu ngân sách mà cần đánh giá bằng việc khai thác, sử dụng hiệu quả.