Theo Thông tư, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch; không được sử dụng để chi hoạt động quản lý bộ máy của Quỹ và chi cho các mục đích khác. Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ do các tổ chức, doanh nghiệp về du lịch chủ trì, đề xuất (hỗ trợ tối đa 1 hoạt động và 1 lần trong năm). Việc chi hỗ trợ phát triển du lịch dành hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch. Theo đó, hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch ở trong nước và ngoài nước; xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình về phát triển sản phẩm du lịch, mô hình phát triển sản phẩm du lịch mới ở trong nước. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng, in ấn tài liệu phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, kinh phí này cũng dành hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Ngoài ra, hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch. Hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch trong việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam...
Sau 2 năm bị “ngấm đòn” Covid-19, ngành du lịch nước ta đã có dấu hiệu phục hồi bởi chính sách mở cửa trở lại đối với khách du lịch quốc tế cũng như nội địa khi vaccine đã được bao phủ tới hầu hết người dân.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta tháng 2 tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 49,2 nghìn lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước. Những dấu hiệu lạc quan này cho thấy, ngành du lịch của nước ta đang trên đà hồi phục.
Được đánh giá là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian qua, đóng góp không nhỏ cho GDP, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Cũng bởi vị thế quan trọng của ngành này, trong Nghị quyết số 43/2022/QH 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã quyết định cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Chính sách này được đánh giá là đòn bẩy rất quan trọng để ngành du lịch phục hồi trở lại.
Quốc hội đã có chính sách hỗ trợ thiết thực, vấn đề còn lại là các bộ, ngành liên quan sớm triển khai chính sách hỗ trợ này. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả trên thực tế. Có như vậy, mới giúp ngành du lịch của chúng ta tăng tốc sau đại dịch.