Không phải cho đến thời điểm này, vấn đề đấu giá biển số xe mới được đưa ra bàn. Mà vấn đề đấu giá biển số xe đã được đặt ra. Ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đặt vấn đề: biển xe số đẹp, các loại phần mềm có được coi là tài sản công hay không? Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là tài sản công, nếu biết khai thác quản lý tốt, đem đấu giá góp phần tăng thu ngân sách là tốt. Tuy nhiên, “về mặt chi tiết thì như thế, nhưng để cụ thể hóa vào luật thì sẽ phải bàn tính thêm” – ông Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề này, trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích, nếu triển khai đấu giá biển xe thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỷ đồng. Đấu giá biển số đẹp giúp tăng thu ngân sách cả nghìn tỷ đồng, nhưng thiết kế chính sách vừa qua chưa tốt – ông Cảnh nhận định.
Vấn đề thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá lại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận. Theo khoản 7, điều 4, Luật Quản lý Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công. Do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này, theo đó, chưa có quy định rõ về cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; loại biển số có thể đấu giá; xác định giá khởi điểm; phạm vi quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe...
Việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dân trong việc sử dụng “biển số đẹp” hiện nay rất nhiều. Do đó, việc ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô; xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô. Ngoài ra, việc đấu giá biển số xe nhằm tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ô tô; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số ô tô...
Như vậy, việc đấu giá biển số xe là việc đã được thảo luận nhiều lần. Đó cũng là lý do, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Bởi lẽ, “vấn đề này đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao” (việc thực hiện thí điểm là do có một số nội dung khác quy định của các luật hiện hành). Phạm vi thí điểm trên toàn quốc nhằm khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người dân và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.
Việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vừa đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng biển số đẹp, vừa góp phần tăng thu ngân sách cần sớm được ban hành. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, “việc này là hết sức cần thiết, người dân sẽ hoan nghênh, vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân mà vẫn công khai, minh bạch”.