Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 14,15 triệu tấn quy dầu, vượt 17,9% kế hoạch năm. Khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn, vượt 12,8% kế hoạch năm. Sản xuất phân bón đạt 1,91 triệu tấn, vượt 286 nghìn tấn, vượt 18% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 627,2 nghìn tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Nộp ngân sách nhà nước đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt khoảng 46 nghìn tỷ đồng, vượt 2,7 lần kế hoạch năm, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Về khai thác dầu tháng 2 đạt 0,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch; lũy kế 2 tháng đạt 1,78 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 2 ước đạt 54,98 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch tháng. Lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 118,73 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 2 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch 2 tháng và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.
Những con số này rất đáng khích lệ, thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế giá xăng dầu trong nước đang ở mức kỷ lục như hiện nay sẽ thấy không ít bất cập. Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hiện nước ta vẫn đang xuất khẩu phần lớn dầu thô khai thác được trong khi lại phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến. Lượng cung xăng dầu trong nước cũng mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này. Dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa cơ chế, chính sách, không thể có chuyện trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến.
Yêu cầu này cho dù không phải là dễ và có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện. Bởi nhìn về lâu dài, trữ lượng dầu khí nước ta đứng thứ 26 thế giới, tương đương khoảng 1,5 tỷ mét khối nhưng sản lượng khai thác hiện nay chỉ đứng thứ 34 thế giới cho thấy tốc độ hiện thực hóa tiềm năng dầu khí chưa cao, nên cần đưa nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế hiệu quả nhất, phải chế biến sâu hiệu quả nhất - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Còn trước mắt, do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là “máu”, chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế; là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt xăng dầu chiếm từ 40 - 45% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi giá xăng dầu tăng đã khiến giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo nhất là nguy cơ lạm phát sẽ hiện hữu rõ ràng hơn.
Như phân tích của Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Nguyễn Bá Khang thì việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát. Cho nên, cần thiết phải có biện pháp để giải quyết, nhất là nghịch lý xuất khẩu rồi lại nhập khẩu dầu thô để chế biến.