Theo đó, đoạn đường này này sẽ phân làn theo phương án 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô. Đánh giá ban đầu về kết quả việc phân làn này có hai luồng ý kiến. Thứ nhất cho rằng bước đầu đã mang lại hiệu quả. Luồng ý kiến còn lại cho rằng chưa thực sự hiệu quả, thậm chí còn tăng áp lực giao thông lên các phương tiện xe máy, nhất là vào giờ cao điểm vì chỉ có hai làn đường, lại phải đi chung với xe buýt...
Thực tế, TP. Hà Nội đã từng thí điểm lắp dải phân cách cứng chia tách làn ô tô, xe máy trên đường Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Hàng Bài, Bà Triệu. Đến đầu 2015, thành phố quyết định dỡ bỏ vì ý thức của người tham gia giao thông đã tốt lên, ô tô, xe máy không còn lấn làn - giải thích của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội.
Với việc thí điểm phân làn ở đường Nguyễn Trãi, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, việc tổ chức giao thông thành công hay không có nhiều yếu tố. Về khoa học kỹ thuật, để tách ô tô, xe máy đi làn đường riêng, ngành giao thông hoàn toàn đáp ứng được. Đi kèm với các biện pháp của ngành giao thông, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên tuần tra, xử lý những người vi phạm. Người điều khiển phương tiện cũng phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Ý kiến khác cũng cho rằng, thí điểm phân làn bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi như hiện nay là cần thiết, nhất là khi ý thức người dân chưa tốt, chưa có thói quen lưu thông đúng làn đường.
Về lý thuyết có thể việc phân làn là đúng tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhìn nhận đúng thực tế đang diễn ra. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông đang tại rất nhiều tuyến phố - thì liệu các giải pháp đã đưa ra và đang được thực hiện có thực sự hiệu quả và tạo đột phá hay chỉ đơn thuần là giải quyết được ùn tắc ở điểm này nhưng lại phức tạp ở điểm kia hoặc chưa có giải pháp? Như tại đoạn thí điểm phân làn ở đường Nguyễn Trãi, dù lạc quan đến mấy thì cũng rất khó có thể đánh giá là bước đầu đã đạt kết quả bởi có quá nhiều bất cập đã và đang phát sinh.
Để giải quyết tình trạng này, ở cả bình diện hẹp là trục đường Nguyễn Trãi, rộng hơn là của cả thành phố, cái chính ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố cần phải có quy hoạch, tổ chức giao thông tổng thể nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến đường. Từ đó xác định ra tuyến nào có thể phân làn được, tuyến nào không, không nên thực hiện theo kiểu cứ làm, được thì được, không được thì thôi. Và việc thí điểm rơi vào quên lãng .