Phân tích về điều này, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nêu dẫn chứng: Năm 2021, trái cây nước ta có nhiều lợi thế xuất khẩu sang thị trường EU thông qua EVFTA; xuất khẩu sang Anh và Bắc Ireland thông qua UKVFTA, bởi hiện nhiều nước xuất khẩu trái cây vùng nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Brazil… chưa có hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu nhưng thực tế các lợi thế này chưa được khai thác triệt để.
Một dẫn chứng nữa là tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc diễn ra thời gian qua mà lý do là bởi chủ yếu xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch. Ngoài ra, giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn còn thấp. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc xây dựng và khẳng định thương hiệu nhằm khai thác các thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản không phải là câu chuyện mới nhưng đáng tiếc chưa có nhiều thương hiệu được định danh trên thị trường. Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, tôm, cá tra… tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu, ngay cả với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt tiêu…
Lý do là bởi một số địa phương mới nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu đơn thuần chỉ là tên sản phẩm, bao bì nhãn mác, tham gia các hội chợ và quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng... chứ chưa quan tâm đến việc khách hàng đánh giá sản phẩm như thế nào. Ngoài ra, hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản cũng chưa hình thành hoàn chỉnh và vận hành hiệu quả nên việc xây dựng được thương hiệu vẫn đang là vấn đề nan giải.
Xây dựng, phát triển thương hiệu, định danh sản phẩm nông sản ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu là xu hướng tất yếu và bắt buộc phải thực hiện. Để thực hiện được, các cơ quan chức năng cần có chiến lược tổng thể với các giải pháp căn cơ, bài bản. Cụ thể, cần có hướng dẫn về lộ trình, các công cụ để triển khai với các ngành hàng cũng như các cơ chế phối hợp khác. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, kiến thức về thị trường, sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như các cơ quan chức năng ở địa phương. Các địa phương phải cùng vào cuộc thông qua việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn. Chú trọng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, phát triển hệ thống thương mại; xây dựng chiến lược quảng bá, định hình thương hiệu phù hợp với đặc thù và năng lực, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm.
Đặc biệt, những điểm yếu cố hữu như sản xuất chưa sát nhu cầu thị trường; chất lượng và bao gói chưa được quan tâm đúng mức, việc truy nguồn gốc còn hạn chế nên khó xuất khẩu chính ngạch phải sớm được khắc phục. Có như vậy mới có thể xây dựng và định danh được các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Tinh giản biên chế hơn 78 nghìn người
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư. Theo đó, tính đến 30.6.2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP của Chính phủ ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người, trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.