Qua xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân. Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được kiểm tra, làm rõ” - kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Ở vào giai đoạn cam go nhất của dịch bệnh, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết đáp, chính sách kịp thời để tạo sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Điều này là cần thiết để bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đáng tiếc rằng, một số cán bộ có thẩm quyền đã lợi dụng chính sách, lợi dụng thời điểm dịch bệnh để cấu kết với một số đối tượng để trục lợi. Nhiều đối tượng đã nhận “lót tay” hàng chục tỷ đồng cho mỗi thương vụ mua bán sinh phẩm kit xét nghiệm Covid-19 thành công.
Cho đến thời điểm này, vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nhiều đối tượng, trong đó không ít cán bộ từ trung ương đến địa phương đã bị khởi tố để làm rõ hành vi vi phạm. Hành vi trục lợi của các đối tượng không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà chính người dân cũng phải gánh chi phí bất hợp lý vì những khoản “hoa hồng” bôi trơn này. Và đau xót hơn, người dân suy giảm niềm tin vào cán bộ, vào công tác phòng, chống dịch.
Những tiêu cực liên quan đến phòng, chống dịch, không phải đến khi nghiên cứu và cung cấp sinh phẩm kit xét nghiệm Covid-19 mới phát sinh. Trước đó, nhiều người từng làm trong ngành y cũng phải đối diện với những bản án hình sự nghiêm khắc khi nâng khống máy xét nghiệm Covid-19. Đây chính là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong phòng, chống dịch của chúng ta vừa qua.
Việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm bởi những bản án nghiêm khắc để răn đe là điều buộc phải làm. Tuy nhiên, điều mà Nhân dân mong muốn là mỗi cán bộ phải đủ tỉnh táo để nói “không” với những khoản “lót tay”. Cùng với đó, chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả bởi công tác tự kiểm tra nội bộ trong mỗi cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống dịch. Có như vậy, mới phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời vi phạm và thiệt hại xảy ra, để chúng ta không phải chứng kiến cán bộ lãnh đạo dính vào vòng lao lý.