Lý do nêu trong tờ trình là nhằm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn, thì mới lập quỹ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Và để ổn định giá xăng dầu trong nước, hiện ngoài quỹ bình ổn còn có các công cụ khác như thuế, phí, điều tiết nguồn cung... Nhưng thuế, phí chỉ có thể giảm trong ngắn hạn vì khó áp thuế suất thấp trong dài hạn, chưa kể giảm rồi sau tăng lại cũng không dễ nên Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn là công cụ điều tiết giá hợp lý.
Về cơ bản, các ý kiến tại Phiên họp tán thành với đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là công cụ điều tiết giá trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính. Và khi thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu; giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.
Dù nhấn mạnh sự cần thiết là như vậy, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc duy trì quỹ nên có thời hạn và thời điểm, điều hành cần linh hoạt hơn. Nếu vẫn duy trì quỹ, chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng như tại dự thảo luật...
Thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch. Hiệu quả của quỹ cũng chỉ phát huy tác dụng khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp và trong thời gian ngắn. Rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để hướng đến mục tiêu hoạt động theo cơ chế thị trường - tức giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.
Bởi vậy, để quyết định có nên tiếp tục để quỹ này tồn tại hay không, như ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng thời gian vừa qua bởi có nhiều doanh nghiệp phản ánh việc điều hành chưa linh hoạt, làm giá trong nước chưa bám sát thị trường.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong quý II.2022, tổng số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 1.007 tỷ đồng, trong khi tổng sử dụng quỹ là trên 526 tỷ đồng.