Không phủ nhận những đóng góp của DNNN thời gian qua khi doanh nghiệp tiếp tục góp phần quan trọng trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các DNNN bộc lộ những tồn tại, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có tình trạng người quản lý doanh nghiệp không muốn tối đa hiệu quả của từng đồng vốn, từng tài sản được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả, máy móc thiết bị không phù hợp để được “chia phần”, vun vén lợi ích cá nhân... Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập, trách nhiệm chưa rõ, một số trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng.
Để thấy rõ hơn hiệu quả hoạt động của DNNN, Quốc hội Khóa XIV đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Qua giám sát, nhiều lỗ hổng về chính sách pháp luật cũng như sự yếu kém trong thực thi chính sách cũng đã được các đại biểu chỉ ra. “Không có doanh nghiệp nào báo cáo đầy đủ, lúc nào là lỗ, lúc nào là lãi. Thậm chí, có doanh nghiệp khi cần báo cáo để thăng chức, tăng quỹ lương, xin vốn thì ngay lập tức có báo cáo lãi. Nhưng khi báo cáo với cơ quan tài chính, thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Người ta nói rằng, báo cáo của các doanh nghiệp như là có một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi" - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã từng phát biểu rất thẳng thắn trên diễn đàn Quốc hội khi ông đề cập đến những tồn tại của doanh nghiệp nhà nước.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số DNNN còn khiêm tốn, thậm chí gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Đó là hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DNNN, cổ phần hóa DNNN còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, chưa tạo đầy đủ quyền chủ động cho doanh nghiệp. Cùng với đó là năng lực quản trị, quản lý của người đại diện chủ sở hữu, người điều hành doanh nghiệp chưa cao. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm chưa nghiêm. Nhiều DNNN chưa tuân thủ pháp luật; chưa xây dựng được hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hiệu quả để kịp thời giám sát và cảnh báo các sai phạm tại doanh nghiệp. Và đáng nói là, chúng ta cũng vẫn đang thiếu hệ thống công cụ đánh giá tổng thể về quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cũng bởi, việc thiếu hệ thống công cụ đánh giá này mà việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vẫn chỉ là “chung chung”. Và có trường hợp, chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc, chỉ ra những sai phạm thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mới được nhìn nhận một cách khách quan, minh bạch.
Để có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, trong Nghị quyết số 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp (chậm nhất vào tháng 5.2019). Trên cơ sở này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số: 73/NQ-CP để ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Tiếc rằng, cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Đành rằng, để có một bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN cần thời gian và sự nghiên cứu thấu đáo. Tuy nhiên, nhân dân mong rằng, Chính phủ cần sớm ban hành tiêu chí này để có sơ sở đánh giá minh bạch hiệu quả hoạt động của DNNN. Đó cũng là cách ngăn chặn được sự thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.