Đề án này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Đề án cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Đề án cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN...
Những chỉ tiêu, mục tiêu này nếu được hiện thực hóa sẽ tạo được sức bật rất lớn đối với DNNN, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thời gian qua, bên cạnh nhiều DNNN hoạt động hiệu quả, thì vẫn có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí trong quá trình hoạt động gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước. Do đó, việc phê duyệt Đề án này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm “xốc” lại hoạt động của DNNN.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 177 doanh nghiệp với tổng giá trị 443.000 tỷ đồng, thoái vốn DNNN đạt 26.000 tỷ đồng, thu về 173.000 tỷ đồng, chuyển 250.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa và thoái vốn vào ngân sách nhà nước. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận trong cổ phần hóa DNNN thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại DNNN vẫn còn một số hạn chế, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới.
Thực tế cho thấy, việc quản trị tốt phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, từ trách nhiệm của người chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, đây đang là vấn đề bất cập. Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đã từng chỉ ra thực tế, quyền sở hữu vốn trong DNNN thực hiện theo hình thức người đại diện. Nhưng trong tập đoàn, tổng công ty còn có “công ty con”, “công ty cháu”. Trong khi đó, lãnh đạo và người đại diện DNNN lại được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, chịu sự quản lý gần như công chức, hầu hết các quyết định kinh doanh đều phải báo cáo, chờ ý kiến của đại diện chủ sở hữu cấp trên.
Để hiện thực hóa được mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm nguồn thu ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, rất cần kế hoạch, lộ trình cụ thể. Muốn vậy, rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại DNNN. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của DNNN, kiểm soát quyền lực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ khẩn trương xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Việc sớm ra đời Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của DNNN và việc phê duyệt, triển khai Đề án này sẽ là cơ sở rất quan trọng để đánh giá đúng thực trạng “sức khỏe” của từng DNNN đang như thế nào.