Làm thế nào để giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển là câu hỏi thường xuyên được đặt ra ở nhiều diễn đàn khi đề cập đến cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Để giảm chi thường xuyên, một trong những giải pháp quan trọng là phải sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Không ít lãnh đạo cho rằng, đây là việc “quá khó”. Ai cũng biết, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là đụng chạm đến “miếng cơm, manh áo” của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đó là chưa kể tình anh em, đồng nghiệp gắn bó lâu nay. Vượt qua được rào cản tâm lý duy tình của người đứng đầu cũng là một thách thức không nhỏ.
Khi chiếc “bánh” ngân sách không thể nở ra, tỷ lệ chi thường xuyên ở mức cao, đồng nghĩa với việc chi cho đầu tư phát triển giảm. Để bảo đảm nhu cầu phát triển, thì việc thay đổi cơ cấu chi là điều buộc phải làm. Những năm qua, cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, trên diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) từng cho rằng, chuyển dịch cơ cấu chi chưa mạnh mẽ, tỷ trọng chi thường xuyên còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách. Lấy dẫn chứng, số thực hiện chi thường xuyên năm 2017 là 64,68%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%, đại biểu chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ chi thường xuyên lớn là do tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách còn rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và khu dân cư còn rất nhiều…
Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra để giảm chi thường xuyên là sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, việc tưởng chừng như “quá khó” ấy đã được một số bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả. 13 nghìn tỷ đồng mà Hà Nội tiết kiệm được từ giảm chi thường xuyên là “quả ngọt” của việc sắp xếp, tinh giản biên chế của toàn thành phố trong gần 5 năm qua. Toàn thành phố có có 11 quận, huyện, thị xã; 515/579 (88,9%) xã, phường, thị trấn và 3.520/7.527 (46,7%) thôn, tổ dân phố tiến hành sắp xếp xong người hoạt động không chuyên trách… Việc sắp xếp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy mà còn giúp kéo giảm tỷ lệ chi thường xuyên của thành phố. 13 nghìn tỷ đồng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo thêm nguồn cho cải cách tiền lương mà còn là đòn bẩy giúp tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển.
Không chỉ Hà Nội, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã bắt tay sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Một trong những “đầu tàu” gương mẫu là Bộ Công an với việc xóa bỏ 6 Tổng; giảm gần 60 đơn vị cấp cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, sáp nhập 20 Sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Với việc tinh giản này, Bộ Công an đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng.
Dịch bệnh Covid -19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều người rơi vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập. Để chia sẻ gánh nặng với Chính phủ, giúp đỡ những người bị tác động bởi dịch bệnh, đòi hỏi ngay từ bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải “thắt lưng, buộc bụng”. Theo đó, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, cũng như “hậu Covid-19”. Việc giảm chi thường xuyên không chỉ dừng ở sắp xếp bộ máy, mà còn cả tiết kiệm chi cho các cuộc họp, lễ hội không cần thiết.
Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương cắt giảm thêm 5% kinh phí chi thường xuyên trong 9 tháng cuối năm 2020, trên cơ sở triệt để tiết kiệm kinh phí từ các hoạt động lễ hội, hội họp, đi công tác nước ngoài, văn hóa thể thao, giải trí... Đó là Hà Nội, còn các bộ, ngành và địa phương khác thì sao?