Hội đồng châu Âu là thể chế bao gồm nguyên thủ các quốc gia thành viên EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu được bầu với nhiệm kỳ hai năm rưỡi. Cùng với Ủy ban châu Âu, cơ quan này chịu trách nhiệm đưa ra những định hướng và ưu tiên chính trị chung cho EU. |
EP thực hiện quyền giám sát đối với Hội đồng châu Âu thông qua việc Chủ tịch EP được trao quyền phát biểu tại mỗi cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch EP sẽ đưa ra quan điểm của EP về vấn đề sẽ được các nhà lãnh đạo EU đề cập tại cuộc họp thượng đỉnh. Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ phải trình báo cáo lên EP về kết quả cuộc họp.
Ủy ban châu Âu
Ủy ban châu Âu là người canh giữ các hiệp ước và là cơ quan hành pháp của EU. |
EP thực hiện quyền giám sát đối với Ủy ban châu Âu thông qua quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm, giải tán toàn bộ Ủy ban châu Âu. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ có hiệu lực nếu được thông qua với ít nhất 2/3 số phiếu. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có một kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm nào trong số 8 kiến nghị đã trình, được thông qua. Năm 1999, Ủy ban Y tế đã tự giải tán trước khi Nghị viện bỏ phiếu giải tán.
Ngoài ra, Nghị viện cũng cho ý kiến và bỏ phiếu thông qua chương trình lập pháp (dự kiến) hàng năm của Ủy ban châu Âu sau khi đã thỏa thuận giữa EP và Hội đồng Bộ trưởng. Ngoài ra, Hội đồng Bộ trưởng tham vấn EP trong những lĩnh vực chính liên quan đến Chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU. Hội đồng có nghĩa vụ báo cáo thường xuyên cho EP về những diễn biến của tình hình an ninh và đối ngoại. EP có thể đặt câu hỏi chất vấn và đưa ra những khuyến nghị cho EU.
Kể từ năm 1994, EP được trao quyền thông qua thành phần của Ủy ban châu Âu. EP bắt đầu không chính thức việc thông qua chương trình lễ bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu từ năm 1981. Tuy nhiên, khi Hiệp ước Maastricht có hiệu lực, EP được yêu cầu chỉ định Chủ tịch và thành viên của Ủy ban. Sau đó, Hiệp ước Amsterdam 1994 tiếp tục phát huy quyền này bằng việc yêu cầu EP chính thức bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban trước khi thông qua bổ nhiệm các thành viên khác. Chủ tịch Ủy ban châu Âu do Hội đồng châu Âu bầu chọn, nhưng phải được EP thông qua trước khi nhậm chức. Những thành viên còn lại của Ủy ban do Chủ tịch Ủy ban bổ nhiệm, nhưng phải được EP thông qua. EP có quyền thông qua việc bổ nhiệm hoặc có thể bãi miễn Chủ tịch Ủy ban với ít nhất 2/3 số phiếu của các Nghị sĩ EP. Việc EP trực tiếp tham gia vào lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã làm tăng trách nhiệm của Ủy ban trước EP và quá trình bổ nhiệm được minh bạch hơn.
Ủy ban châu Âu có nhiệm vụ thông báo toàn bộ hoạt động của mình cho EP. Các báo cáo của Ủy ban châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu và Hội đồng châu Âu có thể đem ra thảo luận tại phiên họp toàn thể Nghị viện. Chủ tịch EP quyết định báo cáo sẽ được thảo luận toàn bộ hay Nghị sĩ có thể chất vấn ngắn gọn, súc tích các đại diện của cơ quan trên trong vòng 30 phút. Khi giám sát hoạt động của các cơ quan trên, Chủ tịch Nghị viện quyết định kết thúc thảo luận bằng một nghị quyết. Ngoài các hoạt động giám sát của Nghị viện đối với các cơ quan trên, theo quy định của các hiệp ước, Nghị viện có thể giám sát hoạt động thông qua giám sát báo cáo của Tòa Thẩm kế và Ngân hàng trung ương châu Âu.
Hội đồng Bộ trưởng châu Âu
Cùng với EP, Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan lập pháp thứ hai của Liên minh châu Âu. Cơ quan này bao gồm các bộ trưởng của các nước thành viên EU. |
Bên cạnh đó, Hội đồng Đối ngoại, hiện do Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh châu âu làm Chủ tịch, phải tham gia tất cả các phiên họp toàn thể của EP về các vấn đề đối ngoại, an ninh cũng như quốc phòng. Cứ 6 tháng, đại diện của Hội đồng Đối ngoại phải trình EP một bản báo cáo liên quan đến các chính sách cũng như tình hình tài chính của cơ quan này.
Các nghị sỹ châu Âu cũng có quyền gửi đến Hội đồng Bộ trưởng những câu hỏi chất vấn để yêu cầu cơ quan này đưa ra chính sách mới.
Giám sát Tòa án Tư pháp
Tòa án Tư pháp là cơ quan tư pháp tối cao trong hệ thống pháp luật của EU. Cơ quan này chịu trách nhiệm giải thích pháp luật, bảo đảm pháp luật châu Âu được thực thi ở tất cả các nước thành viên. |
EP có quyền yêu cầu Tòa án cam kết chống lại Hội đồng hoặc Ủy ban châu Âu nếu các cơ quan này hành động không phù hợp với tinh thần của luật pháp châu Âu. Cùng với Hội đồng châu Âu, EP có quyền yêu cầu Tòa án thành lập những tòa án đặc biệt. Chẳng hạn vào năm 2005, Tòa án đặc biệt về chức năng của Liên minh châu Âu đã được thiết lập để phân định tranh chấp về thẩm quyền giữa Liên minh và nhân viên.
Ngân hàng chung châu Âu
Ngân hàng chung châu Âu chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu |
Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ban chủ tịch của Ngân hàng chung châu Âu (ECB) do Hội đồng châu Âu bầu chọn. Tuy nhiên, trước khi bầu chọn, Hội đồng châu Âu sẽ phải tham vấn EP về ứng cử viên cho các chức danh này. Ngoài ra, Chủ tịch ECB trình báo cáo hàng năm tại phiên họp toàn thể của EP, đồng thời, thường xuyên liên hệ và báo cáo thông tin về tiền tệ của EU với Ủy ban Kinh tế của EP.
Tòa Thẩm kế
Tòa thẩm kế kiểm soát tình hình tài chính của Liên minh châu Âu. Với tư cách là cơ quan kiểm toán bên ngoài Liên minh, Tòa góp phần cải thiện hoạt động quản lý tài chính, đồng thời là cơ quan kiểm soát độc lập vì lợi ích tài chính của công dân châu Âu. |
Tòa thẩm kế có nhiệm vụ trình báo cáo hàng năm về tình hình ngân sách của năm trước đó lên Hội đồng châu Âu và EP. Trên cơ sở báo cáo này, Nghị viện sẽ quyết định thông qua hoặc không thông qua cách thức Ủy ban châu Âu quản lý ngân sách. Ngoài ra, EP cũng được tham vấn trước khi Hội đồng châu âu bổ nhiệm các thành viên của Tòa Thẩm kế.