Cơ quan lập pháp địa phương ở Philippines tiếp nhận, đánh giá và phê chuẩn báo cáo kiểm toán hàng năm của Ủy ban kiểm toán. Hoặc ở Nam Phi, kiểm toán nội bộ của chính quyền địa phương có thể hỗ trợ hội đồng giám sát hành chính. Hội đồng có thể sử dụng thông tin thu nhận được từ kiểm toán nội bộ để giám sát, buộc cơ quan hành chính giải trình về những sai phạm, thiếu sót về tài chính. Hơn nữa, theo Luật Quản lý tài chính địa phương năm 1998 của Nam Phi (Municipal Finance Manegement Act - MFMA) kiểm toán nội bộ phải báo cáo cho một ủy ban kiểm toán với người đứng đầu do hội đồng bổ nhiệm, báo cáo trực tiếp và tư vấn cho hội đồng. Ủy ban có ít nhất 3 người có uy tín chuyên môn, đạo đức, đều không phải là đại biểu hội đồng; họp ít nhất 4 lần hàng năm. Cả kiểm toán nội bộ và ủy ban kiểm toán đều phải cung cấp thông tin đánh giá khách quan về hiện trạng tài chính của địa phương, cũng như sự hiệu quả, hiệu năng của nó, về quản lý rủi ro, đánh giá hoạt động, quản trị hiệu quả. Bên cạnh đó, Luật của Nam Phi cũng bắt buộc các địa phương phải thành lập Ủy ban kiểm toán hoạt động (Performance Audit Committee). Ủy ban này có nhiệm vụ rà soát hệ thống quản lý công việc của địa phương và báo cáo, đề xuất kiến nghị với hội đồng của địa phương đó; thẩm tra các báo cáo hoạt động quý; ít nhất hai lần trong năm tài chính trình báo cáo kiểm toán cho hội đồng. Khác với Ủy ban kiểm toán, đại biểu hội đồng có thể là thành viên Ủy ban kiểm toán hoạt động. Ủy ban này có thể tiếp cận các tài liệu của chính quyền địa phương, triệu tập bất kỳ ai và yêu cầu cung cấp thông tin. Với thẩm quyền và trách nhiệm như vậy, Ủy ban kiểm toán hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giám sát của hội đồng, giúp hội đồng thẩm định hệ thống quản lý của địa phương, xem xét hệ thống đó có tuân thủ các chuẩn mực không; các nguồn lực có được sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả không.
Hội đồng địa phương ở một số nước nói tiếng Anh như Nam Phi, Uganda… thành lập Ủy ban các tài khoản công (Public Accounts Committee – PAC) để theo dõi kết quả thực hiện dự toán ngân sách qua các tài khoản công. PAC mời các quan chức địa phương đến Ủy ban để giải trình, ra báo cáo về những kết quả giám sát. Thường thì các thành viên phe đối lập sẽ đứng đầu PAC. Dựa trên những phát hiện của mình, PAC thường xuyên kiến nghị với cơ quan hành chính thay đổi một số chính sách và thủ tục để cải thiện hoạt động. Một cách lý tưởng thì các thành viên cơ quan hành chính không nên ở trong PAC; tất cả các cơ quan thuộc hành chính địa phương đều phải được kiểm toán; PAC nên được trao quyền để có thể triệu tập bất cứ ai; PAC cần có quyền lực pháp lý để bắt buộc các nhân chứng có mặt.
Bên cạnh đó, trong hoạt động của chính quyền địa phương, lĩnh vực tài chính – ngân sách ở nhiều nước đã có những công cụ thu hút sự tham gia của công chúng trong lập ngân sách địa phương. Quy trình ngân sách có sự tham gia của người dân bắt đầu từ thành phố Porto Alegre ở Brazil 20 năm trước đây và bây giờ được áp dụng ở hàng trăm thành phố trên thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ Latin và châu Âu. Tuy nhiên, mức độ áp dụng các công cụ này khác nhau giữa các nước, giữa các địa phương trong một nước. Chẳng hạn, ở Uganda, sau một thời gian dài, mặc dù các công cụ đã được giới thiệu, nhưng ở nhiều địa phương vẫn chưa được nội địa hóa và áp dụng.