Chẳng hạn, Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Nam Phi quy định, một trong những tiêu chí để thành lập các tiểu ban là sự cần thiết phải ủy quyền của Hội đồng cho các tiểu ban để bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi các chức năng, thẩm quyền của Hội đồng. Giám sát của ủy ban cũng có thể đạt được nguyên tắc giải trình, có cả bốn yếu tố của giải trình, từ việc yêu cầu giải thích về những gì các ngành đã làm, cung cấp thêm thông tin về những điểm chưa rõ, rà soát hiện trạng, đưa các kiến nghị sửa đổi.
Thông thường, các tiểu ban của hội đồng địa phương được phân chia theo các lĩnh vực chính sách như y tế, giáo dục, tài chính, phụ nữ, trẻ em, gia đình… và có thẩm quyền xem xét các chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách trong các lĩnh vực đó. Các tiểu ban này cũng thường ứng với các ban ngành chuyên môn của chính quyền ở địa phương đó. Chẳng hạn, Hội đồng thành phố Drakenstein của Nam Phi có 6 tiểu ban chuyên môn gồm Hoạch định tổ chức và chiến lược; Các dịch vụ tài chính; Lập kế hoạch; Thể thao, Giải trí, Văn hóa, An toàn cộng đồng; Nhà ở và cơ sở hạ tầng; Xã hội, phát triển kinh tế và nông thôn.
Ở một số nước như Philippines, thành phần của các tiểu ban này được quy định trong luật của quốc gia hoặc trong văn bản của địa phương; mỗi tiểu ban không quá 5 thành viên gồm chủ tọa, phó chủ tọa và các thành viên; mỗi đại biểu hội đồng chỉ có thể làm chủ tọa nhiều nhất là 2 tiểu ban; nhưng có thể là thành viên của 3 tiểu ban. Ngoài các đại biểu hội đồng, ở một số nước như Nam Phi, các chuyên gia có thể được mời làm thành viên của tiểu ban với tư cách tư vấn. Ở nhiều nước khác, Hội đồng có thể thành lập các tiểu ban theo cân nhắc của mình.
Nói chung, các đại biểu hội đồng chọn tiểu ban theo thế mạnh chuyên môn và mối quan tâm của mình. Còn chủ tọa của các tiểu ban thường do các đảng có ghế trong hội đồng hoặc đảng đa số cầm quyền lựa chọn để bảo đảm tỷ lệ tương tự như tỷ lệ giữa các đảng trong hội đồng. Đảng cầm quyền cũng sắp xếp để bảo đảm họ chiếm đa số ở tất cả các tiểu ban. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của tiểu ban cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp ghế chủ tọa tiểu ban. Chẳng hạn, đảng cầm quyền trong hội đồng địa phương ở Philippines sẽ cố gắng đưa đại biểu của mình làm chủ tọa các tiểu ban về tài chính, cơ sở hạ tầng, giáo dục, các dịch vụ xã hội, y tế, nông nghiệp, phụ nữ. Còn các tiểu ban khác được coi ít quan trọng hơn, vì vậy chức danh chủ tọa dành cho các đại biểu thuộc các đảng thiểu số. Còn ở Nam Phi, chỉ có các đại biểu hội đồng không phải là thành viên của cơ quan hành chính địa phương mới được làm chủ tọa các tiểu ban của hội đồng.