Phiên hỏi – đáp (question time) cũng là một cách thức để nghị viện giám sát hoạt động của hành pháp. Có tài liệu coi đây là dạng yêu cầu bắt buộc cung cấp thông tin không chỉ cho người hỏi, mà cho tất cả các nghị sỹ khác. Các câu hỏi được đặt ra theo thủ tục này xét cho cùng là các yêu cầu các thành viên Chính phủ giải thích về một vấn đề nào đó hoặc yêu cầu Chính phủ cho biết thông tin về một vụ việc và yêu cầu Chính phủ giải quyết các vụ việc đó. Phiên hỏi khác với thủ tục chất vấn ở chỗ thủ tục này không đi đến một cuộc biểu quyết thoả mãn hay không thỏa mãn với câu trả lời của Chính phủ. Hình thức giám sát này tạo năng lực cho các nghị sỹ của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia.
Hình thức hỏi – đáp thường chỉ có những nước theo chế độ nghị viện, nhưng ở một số nước theo chế độ tổng thống như ở Philippines, vào thứ 5 các thành viên Chính phủ phải trả lời trước Quốc hội. Theo cuộc khảo sát đã đề cập ở bài về chất vấn, trong số 88 nghị viện, có 67 nghị viện dành thời gian nhất định cho phiên hỏi – đáp với Chính phủ. Trong số 67 nước nói trên, hiến pháp của 8 nước quy định tần suất các phiên hỏi – đáp trong tuần; ở 25 nước hiến pháp không quy định rõ tần suất. Tại 12 nước, có từ 3 phiên hỏi – đáp trở lên mỗi tuần, ví dụ ở Hạ viện Australia hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 5 phiên hỏi – đáp diễn ra từ 14h – 15h30; tại 35 nước có 1 hoặc 2 phiên; ở 10 nước ít hơn một phiên hỏi đáp/tuần, ví dụ 1 lần một tháng ở Magadascar và Tunisia; còn ở 10 nước các phiên hỏi – đáp không theo một lịch trình định kỳ thường xuyên.
Một khía cạnh liên quan đến phiên hỏi – đáp là có cần thông báo trước về câu hỏi hay không, vì nếu phải thông báo quá sớm sẽ làm mất hiệu quả của hình thức giám sát này. Theo cuộc khảo sát nói trên, ở 55 nghị viện cần phải thông báo trước qua văn phòng nghị viện mới được nêu câu hỏi tại hội trường trong phiên hỏi – đáp. Thời gian thông báo trước từ một ngày đến 15 ngày, trong đó phần lớn nghị viện yêu cầu thông báo trước một ngày. Tuy nhiên, đối với những vấn đề cấp bách mới xảy ra, chỉ cần gửi thẳng câu hỏi cho chủ tịch viện, và nhân vậy này sẽ quyết định câu hỏi có được nêu hay không.
Các câu hỏi thường bao trùm mọi lĩnh vực chính sách, và ở nhiều nước theo mô hình Anh, các bộ trưởng thay nhau trả lời các câu hỏi theo thứ tự, tính trung bình mỗi bộ trưởng xuất hiện một lần trong một tháng. Trong đó, các câu hỏi dành cho người đứng đầu hành pháp có ý nghĩa quan trọng. Hiến pháp 8 nước quy định rõ phải dành riêng thời gian để hỏi nhân vậy này. Ở Zambia, Phó tổng thống đồng thời là nghị sỹ trả lời các câu hỏi dành cho Tổng thống. Tần suất xuất hiện của người đứng đầu hành pháp khác nhau ở các nước, từ 2 lần/tuần ở Ireland, hoặc một lần trong một giai đoạn nhất định ở Estonia. Ở một số nghị viện, nhân vật này phải có mặt ở tất cả các phiên hỏi – đáp. Ví dụ, Thủ tướng Bulgaria là thành viên Chính phủ đầu tiên phải trả lời các câu hỏi tại phiên hỏi – đáp hàng tuần.
Ở khá nhiều nước (44/88 nghị viện được khảo sát) cho phép các nghị sỹ đặt câu hỏi phụ sau khi bộ trưởng trả lời câu hỏi chính ban đầu, tạo điều kiện làm rõ những điểm mà bộ trưởng trả lời chung chung hoặc quên. Khoảng 2/3 trong số 55 nghị viện có yêu cầu phải thông báo trước về câu hỏi lại cho phép nghị sỹ đặt câu hỏi phụ, tức là những câu hỏi mà bộ trưởng không được biết trước. Trong số 44 nước, 25 nước chỉ nghị sỹ có câu hỏi chính mới được tiếp tục nêu câu hỏi phụ, còn ở 19 nước, các nghị sỹ khác có thể làm điều này nếu chủ tọa phiên họp cho phép.