Nỗ lực lớn trong hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý, sử dụng đất đai
- Bà đánh giá thế nào về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang được lấy ý kiến Nhân dân?
- Dự thảo Luật đã đáp ứng được một phần sự kỳ vọng của tôi nhằm giải quyết những bất cập của Luật hiện hành và tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua. Dự thảo Luật đã có nhiều nội dung mới nhằm thể chế hoá các định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Tôi đánh giá cao dự thảo Luật đã thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến Nhân dân lần này đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật cần tạo điều kiện để khơi thông nguồn lực, để đất đai thực sự là động lực phát triển cho nền kinh tế. Với việc các công cụ quản lý dần hoàn thiện để quản lý đất đai phù hợp với điều kiện thực tiễn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như việc ứng dụng các công cụ mã hóa QR trong tiếp cận thông tin đất đai và triển khai kiểm soát hiệu quả chỉ số PAPI trên phạm vi quốc gia… tôi rất hy vọng đây là những tín hiệu khả quan về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai trong lần sửa đổi Luật lần này.
- Thực tiễn công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thời gian qua còn một số bất cập dẫn đến tình trạng khiếu nại và khởi kiện xảy ra nhiều nơi. Theo bà, với các nội dung mới quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại dự thảo Luật đã giúp giải quyết được những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động này chưa?
- Thu hồi đất là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai. Đây cũng là một hoạt động nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, lạm quyền gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phải hoàn thiện các quy định về công tác này. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ… Bên cạnh những nội dung mới này, tôi kiến nghị, dự thảo Luật cần mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, người trực tiếp khai thác, sử dụng đất trong quy hoạch thu hồi đất.
Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán hài hoà lợi ích trong vấn đề thu hồi đất nhằm thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần hoàn thiện vai trò của Nhà nước trong quan hệ sở hữu đất đai. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, quá trình thu hồi đất còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại và những bức xúc của người dân; nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ do không giải quyết được vướng mắc trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trên là do nhiều chủ thể mang quyền lực nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong thu hồi đất đai. Thực trạng này xuất phát từ việc các quy định của pháp luật chưa điều chỉnh được hết các quan hệ và vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi đất. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rạch ròi giữa vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và vai trò quản lý của Nhà nước về đất đai, nhằm tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo về chức năng, quyền hạn, bảo đảm quá trình thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Khi kiểm soát tốt quyền lực nhà nước trong thu hồi đất bằng hệ thống luật pháp hoàn thiện, chất lượng thì thu hồi đất sẽ góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đồng thời, góp phần giảm nguy cơ lạm dụng, tha hóa quyền lực, tham nhũng trong quá trình thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Thực tế cũng cho thấy, nhiều đại án tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, do đó, nếu kiểm soát tốt quyền lực trong lĩnh vực đất đai sẽ góp phần hạn chế lợi ích nhóm liên quan đến đất đai.
Thể chế đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
- Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Nội dung sửa đổi, bổ sung này đã bảo đảm tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất đai nói chung, trong đó có hoạt động thu hồi đất chưa, thưa bà?
- Một trong những phương thức kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất chính là việc thực hiện vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả những tồn tại hạn chế hiện nay như: bổ sung quy định kiểm toán về đất đai (Điều 230); sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá (Điều 231, Điều 232); bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai (Điều 233); quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND từng cấp đối với việc chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn (Điều 240)...
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần tiếp tục thể chế hoá đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự thảo Luật cần thể hiện rõ sự tham gia, vào cuộc và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong giám sát, phản biện, đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân trong các hoạt động quản lý và sử dụng đất đai, tương xứng với phân cấp nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý.
- Bà có đề xuất giải pháp nào nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thu hồi đất?
- Trong kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất thì hoạt động thanh tra có ý nghĩa rất lớn. Thanh tra là để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Hoạt động thanh tra cần trả lời được các câu hỏi như: hoạt động thu hồi đất được thực hiện có đúng thẩm quyền, mục đích không; hoạt động bồi thường, hỗ trợ có đúng quy định của pháp luật và thoả mãn nguyện vọng chính đáng của người sử dụng đất hay không; hoạt động tái định cư có bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chất lượng về nhà tái định cư hay không…
Về giải pháp nhằm xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong quá trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, cần xây dựng cơ chế giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; xây dựng cơ chế giám sát của Nhân dân với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, nhân dân có thể tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyết định thu hồi đất (người sử dụng đất) hoặc là chủ thể không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyết định thu hồi đất; phát huy vai trò của tổ chức tự quản của nhân dân trong kiểm soát quyền lực khi Nhà nước thu hồi đất…
Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất cần phải thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi. Kiểm soát quyền lực từ những giai đoạn ban đầu có ý nghĩa chiến lược lâu dài bởi lẽ quy hoạch có thời hạn lâu dài và gắn với sự phát triển của vùng miền, hoặc khu vực có đất bị thu hồi nhằm phục vụ phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Cùng với đó, cần thực hiện tốt việc đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất với người dân khi tiến hành thu hồi đất; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa của việc thu hồi đất. Việc lấy ý kiến của người dân nơi có đất bị thu hồi phải được tiến hành trực tiếp đối với từng hộ, từng thửa đất mà người dân đang trực tiếp khai thác những nguồn lợi từ đất chứ không phải chỉ là ý kiến của người đại diện.
- Xin cảm ơn bà!