Chống lãng phí cần trở thành “văn hóa ứng xử trong thời đại mới”
Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong quá trình thi hành luật, trước đòi hỏi của thực tiễn, cả hai đạo luật đều đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và kết hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có liên quan, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung quy định của 37 luật liên quan đến quy hoạch.
Một điểm đặc biệt nữa là việc tổ chức thực hiện các luật nói trên được đặt dưới sự giám sát tối cao trực tiếp, thường xuyên của Quốc hội. Hàng năm, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Với quyết tâm chính trị và các biện pháp quyết liệt, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Đã giảm thiểu những công trình đầu tư công với giá trị lớn nhưng dở dang do nhiều nguyên nhân hoặc mua “ụ nổi” hàng trăm triệu USD mà không thể sử dụng được.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của cơ quan thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ Sáu (năm 2023) đã thẳng thắn chỉ ra khá nhiều tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực trạng đó một lần nữa cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” và “đầy cam go, phức tạp” đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập trong bài viết “Chống lãng phí”.
Trong bài viết này, xin góp thêm một góc nhìn về chống lãng phí trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bàn về tiết kiệm, chống lãng phí cần phải soi mình vào tấm gương sáng của Bác Hồ. Lúc sinh thời, Người thường xuyên nói về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tự mình nêu gương về tiết kiệm, chống lãng phí. Trên thế giới hiếm có người sau khi dành trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước mà ở thời điểm sắp về với cõi vĩnh hằng vẫn còn di chúc và căn dặn: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Sự vĩ đại và hệ tư tưởng mẫu mực của Bác Hồ về tất cả các lĩnh vực, trong đó có thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được kế thừa và phát triển trong mọi giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa Đức trị và Pháp trị.
Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chính là giải pháp tăng cường về Đức trị.
Về Pháp trị, Nhà nước ta đã có Hiến pháp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023 cho rằng “Công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra.
Tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 cho thấy, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung; tình trạng vi phạm các định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời. Một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi”.
Với thông tin gói gọn trong 223 từ được trích dẫn từ Báo cáo thẩm tra trên đây, có thể thấy lãng phí trong xây dựng và hoàn thiện thể chế thực sự không hề nhỏ. Điều đó chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là do tồn tại, bất cập về thể chế.
Những biểu hiện do dự không dám quyết, không dám làm, có tiền không tiêu được, đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ, gửi hàng loạt câu hỏi đề nghị các cơ quan Trung ương trả lời hoặc việc xây dựng nhà văn hóa ở một xã miền núi của Điện Biên theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không thể thực hiện được chỉ vì mảnh đất được chọn không có rừng từ lâu nhưng theo quy hoạch vẫn là rừng phòng hộ… đã cho thấy, sự bất cập về thể chế gây ra ách tắc, lãng phí trong nhiều trường hợp còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn sự lãng phí trong một dự án, một công trình cụ thể.
Chính từ thực trạng đó, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hai giải pháp cần phải thực hiện ngay, là “hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí”.
Sửa đổi Luật theo hướng xác định lãng phí tương đương với tham nhũng
Từ thực tiễn công tác phòng, chống lãng phí và những chỉ đạo mang tính định hướng trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể thấy một số giải pháp để hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật nhằm phòng, chống lãng phí từ gốc của vấn đề:
Thứ nhất, cần thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng xác định lãng phí tương đương với tham nhũng. Theo đó, chế tài xử lý đối với lãng phí phải cao hơn, nghiêm minh hơn so với Luật hiện hành.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong hệ thống pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng quy định định lượng (tiêu chuẩn, định mức, chế độ, chính sách cụ thể), ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng chất lượng quản lý; tăng cường tính công khai, minh bạch (trừ quy định liên quan đến pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước), loại trừ việc cài cắm lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm…
Đặc biệt, cần quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm để khi xảy ra lãng phí có thể xem xét trách nhiệm cá nhân được; quy định tối đa những vấn đề có thể dẫn đến lãng phí kèm theo các biện pháp phòng ngừa trong luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ, các chủ thể khác ban hành văn bản dưới luật.
Thứ ba, thực hiện tốt chức năng giám sát mang tính quyền lực của cơ quan dân cử. Trong đó, cần tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan của Quốc hội về ban hành văn bản của các chủ thể được luật, pháp lệnh, nghị quyết giao, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành và nên có chế tài nghiêm khắc đối với việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm so với thời gian quy định. Tăng cường hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khi tự mình phát hiện hoặc thông tin từ Báo cáo của MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh của báo chí và dư luận xã hội về các vụ việc có dấu hiệu gây lãng phí lớn.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế và quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm quyền của ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên thực tế. Với 500 ĐBQH, cần có thể chế để phát huy “500 trí tuệ”, “500 đôi mắt tinh tường” kịp thời phát hiện, kiến nghị với Quốc hội xử lý những "lỗ hổng" của pháp luật mà có thể dẫn đến lãng phí các nguồn lực của đất nước.
Đúng như nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.