Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế… Đồng thời là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Bên cạnh đó, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu "Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao" theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh Nghệ An khẳng định, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch.
Theo đại biểu Trần Đức Thuận, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa, phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Còn đại biểu Phạm Phú Bình cho rằng: Khi thành lập, TP. Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trên cả nước có đường biên giới, đây là điểm khác biệt so với các thành phố trực thuộc trung ương còn lại… “Hiện nay, các tỉnh và các địa phương trên toàn quốc không có thành phố trực thuộc Trung ương nào có đường biên giới với nước ngoài. Nếu Huế được thành lập thì toàn bộ huyện A Lưới giáp với Lào sẽ có đường biên giới thuộc một thành phố trực thuộc Trung ương”, đại biểu Phạm Phú Bình nêu rõ.
Nhấn mạnh các xã biên giới được coi là khu vực đặc thù và có quy định riêng đối với công tác quản lý về tổ chức chính quyền lẫn quản lý liên quan đến công tác biên phòng, đại biểu Phạm Phú Bình đề nghị, trong thời gian tới khi Chính phủ và TP. Huế xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần lưu ý đặc điểm này, vì với tính chất có đường biên giới sẽ có những yếu tố đặc thù như quy định về quản lý biên giới ở các xã biên giới…
Bên cạnh đó, khi thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Phạm Phú Bình cũng đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội xem xét có thêm điều khoản thi hành chuyển tiếp các cơ chế, chính sách về xã hội, an sinh xã hội… tỉnh Thừa Thiên Huế đang được hưởng theo lộ trình nhằm bảo đảm quyền lợi, tránh thiệt thòi cho các đối tượng được thụ hưởng.
Còn đại biểu Thái Văn Thành thì cho rằng, khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều vùng nông thôn, chính quyền nông thôn cấp huyện, cấp xã sẽ trở thành chính quyền đô thị, người dân nông thôn thành người dân đô thị. Từ đó sẽ có những vấn đề phát sinh khi được nâng cấp, sẽ có những đối tượng thiệt thòi như hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, các em học sinh nông thôn sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện chính sách cộng điểm trong xét, thi tuyển đại học... “Đây là những vấn đề đặt ra và cần phải có lộ trình giải quyết phù hợp để thực hiện được tốt nhất các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với người dân”, đại biểu nêu quan điểm.
Thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, song đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, Quốc hội nên sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương thành Luật Tổ chức chính quyền, trong đó quy định chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn gắn với quy định rõ mục tiêu, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế vận hành… Qua đó để giảm thiểu phải bàn và ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị dành riêng cho mỗi địa phương, vừa bảo đảm tính hệ thống trong cả nước.