Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sẽ có những thay đổi khá lớn và quan trọng nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám này. Dù vậy, thảo luận tại tổ vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các đề xuất sửa đổi, bổ sung hiện vẫn chưa đủ sức tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án PPP cũng như xóa bỏ được hoàn toàn tâm lý e dè, sợ sai của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương và cả các nhà đầu tư đối với phương thức đầu tư hết sức quan trọng này.
Từ thực tiễn thực thi Luật PPP vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đánh giá, đạo luật này có nhiều vấn đề và “cũng đang là điểm nghẽn”. Trên bình diện khu vực và thế giới, Việt Nam hiện là một trong những nước đang tập trung và có mức đầu tư rất lớn cho hạ tầng, chiếm khoảng 5,5 - 5,8% GDP (trong khu vực, chúng ta chỉ đứng sau Trung Quốc hiện đầu tư khoảng trên 7% GDP). Khi được Quốc hội thông qua vào giữa năm 2020, Luật PPP mang trong nó kỳ vọng hết sức lớn lao, đó là sẽ tạo ra cú hích và sức bật mới về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của đất nước. Nhưng "ta cứ tưởng tượng rằng, sau khi Luật PPP có hiệu lực, các hoạt động liên quan đến huy động nguồn lực xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng gần như bị ngưng trệ”, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho biết. Nguyên nhân do luật hay do tổ chức thực thi hay do điều kiện khách quan luật có hiệu lực đúng vào giai đoạn đại dịch Covid - 19 bùng phát khiến cả nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng thì cần phải đánh giá sâu hơn, nhưng rõ ràng, Luật PPP đã chưa thực hiện được "sứ mệnh" của nó.
Soi chiếu từ lĩnh vực giao thông vận tải cho thấy, để đáp ứng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thì vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 1/3. Chưa kể sắp tới Quốc hội sẽ xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn Chính phủ đề xuất khoảng 67 tỷ USD. Kèm theo đó là hai tuyến metro tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với số vốn đầu tư dự kiến cũng lên tới hơn 50 tỷ USD (Hà Nội) và khoảng 25 - 30 tỷ USD (TP. Hồ Chí Minh)…
“Chắc chắn đến thời điểm ta sẽ phải xem để mở lại nguồn vốn PPP, nguồn vốn xã hội đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nếu không thì không có đủ kết cấu hạ tầng để đáp ứng các điều kiện năng lực cạnh tranh phát triển kinh tế của đất nước. Chúng ta không chỉ cạnh tranh bằng lao động giá rẻ mà nhà đầu tư vào còn liên quan đến kết cấu hạ tầng và rất nhiều vấn đề khác", đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Rõ ràng, đầu tư PPP vẫn là phương thức đặc biệt quan trọng phải thúc đẩy thực hiện và thực hiện có hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là vô cùng lớn nhưng ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn hiện nay. Tuy vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung này, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, “rất nhiều vấn đề chưa đụng tới được, chưa chạm tới được”. Trong đó, toàn bộ phần liên quan đến tồn tại của các dự án BT trước đây đang tách ra thành một việc riêng, vẫn đang “treo”, và “thực tế ở các địa phương vô cùng phức tạp, liên quan đến cả pháp luật, bây giờ gần như ngưng trệ, liên quan đơn thư khiếu kiện rất nhiều, rất khó giải quyết”. Hay có những phương thức huy động vốn mới đã được áp dụng rất hiệu quả tại một số nước, đơn cử như hình thức EPC (hợp đồng chìa khóa trao tay cộng với hỗ trợ về tài chính) tại Trung Quốc - giống như ta gọi là BT bằng tiền, khi nhà đầu tư nước ngoài vào họ đưa ra mô hình EPC nhưng "đi hỏi từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến các cơ quan khác thì không nằm trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam".
Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đồng thời chỉ rõ giải pháp là phải “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp”, mà “trước hết, cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc. Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Quan điểm này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn bộ khâu của quy trình lập pháp, đặc biệt là trong hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến việc thu hút nguồn lực xã hội như Luật PPP.
Tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu. Thảo luận tại tổ cho thấy, vẫn còn những nội dung được đề xuất lần này cũng chưa thật sự thuyết phục được các đại biểu Quốc hội. Với những đề xuất đã thực sự rõ, thực sự chín, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh thì Quốc hội sẵn sàng thông qua ngay theo đúng phương châm được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định "không cầu toàn, không nóng vội, nội dung nào sửa là phải thực hiện được ngay, hiệu quả ngay". Với những nội dung chưa chín, chưa rõ, chưa đạt được sự đồng thuận lần này thì Chính phủ cần khẩn trương tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi căn cơ, toàn diện Luật PPP. Nhiệm vụ này phải làm càng sớm càng tốt, với một tư duy mới để thực sự tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.