Tại Khoản 3, Điều 27 quy định “Người có thẻ BHYT tự đi KCB, không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, trong thời gian điều trị nội trú, nếu phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB hoặc tình trạng diễn biến vượt khả năng chuyên môn của cơ sở KCB”. Theo đại biểu Mai Văn Hải, việc không cần thủ tục chuyển tuyến là phù hợp với nguyện vọng của nhiều cử tri. Tuy nhiên, liệu quy định này có thể bảo đảm sự chặt chẽ, thuận lợi cho công tác quản lý, cũng như KCB của các cơ sở y tế?
Đại biểu lý giải, không phải chuyển tuyến, để cho người bệnh tự đi sẽ dẫn đến một số bất cập như: tạo sự nôn nóng, không an tâm điều trị ở cơ sở KCB ban đầu và cơ bản, dẫn đến nhiều bệnh nhân sẽ chuyển lên tuyến trên để được điều trị, sẽ gây quá tải ở tuyến trên, nhất là tuyến chuyên sâu, ảnh hưởng lớn đến việc KCB của cơ sở KCB chuyên sâu. Hơn nữa, người bệnh có thẻ BHYT tự đi, nhưng không phải người bệnh nào cũng biết để đi đến đúng cơ sở KCB phù hợp. Theo đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên quy định vẫn phải có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất cho người bệnh khi phải chuyển tuyến.
Liên quan đến quy định về thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT, khoản 4, Điều 31 có quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, quy định như vậy để tạo điều kiện cho người bệnh, trong trường hợp cơ sở điều trị không có thuốc. Nhưng điều này cũng cần cân nhắc thêm, cần quy định cụ thể hơn, để thuận lợi cho việc chuyển, thanh toán thuốc, thiết bị y tế, phục vụ kịp thời cho việc điều trị bệnh cho bệnh nhân; nếu việc điều chuyển thuốc, thiết bị y tế để phục vụ người bệnh không kịp thời, sẽ gây khó khăn cho người bệnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, đại biểu đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp thanh toán cho người bệnh nếu phải mua thuốc, thiết bị y tế ở ngoài thị trường theo đơn của bác sỹ, thuộc danh mục thuốc, thiết bị y tế, định mức được thanh toán của quỹ BHYT, như thế sẽ thuận tiện cho người bệnh được điều trị.