Bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế
Góp ý về đối tượng tham gia BHYT, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT gồm: người dân các xã An toàn khu và vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 - các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến nhóm đối tượng do người sử dụng lao động hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng, tại điểm b khoản 1 Điều 12 (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật) quy định là: “b) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xãkhông hưởng tiền lương.
Tiếp theo quy định này, tại điểm b khoản 1 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung theo khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT như sau: “b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do người lao động đóng”.
Đối chiếu với quy định liên quan về phương thức đóng BHYT, khoản 1 Điều 15 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT”. Tuy nhiên, tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 15 mới chỉ sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 7 sau khoản 6; không sửa quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật BHYT, như vậy là chưa phù hợp, thống nhất với điểm b khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật là trường hợp “không hưởng tiền lương”. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi khoản 1 Điều 15 Luật BHYT để tương ứng với nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật.
Đại biểu cũng chỉ rõ tại khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 về mức hưởng BHYT, trong đó điểm c khoản 1 quy định:
“1. Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật này được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, bao gồm: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá; trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; trạm y tế quân - dân y, phòng khám quân - dân y; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trong quân đội, công an theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an”.
Tuy nhiên, việc quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc y tế cơ sở là không rõ ràng, cụ thể. Do mức hưởng tại quy định này là ở mức cao nhất 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc y tế cơ sở” là cơ sở nào để việc áp dụng được thuận lợi, rõ ràng.
Rõ trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm thuốc, vật tư y tế
Khoản 19 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 27 quy định: “Điều 27. Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mạn tính.”
Đại biểu nhận định, như quy định trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu có trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá... Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do đây là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, nên vai trò của trạm y tế vô cùng lớn.
Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, thực tế hiện nay còn rất nhiều bất cập trong hệ thống y tế cơ sở cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo từ Trung ương tới địa phương. Hiện, tuyến y tế cơ sở chủ yếu thực hiện nhiệm vụ của dự phòng như: tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Năng lực, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế cung ứng các dịch vụ về sức khỏe còn hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở dẫn đến vượt tuyến, quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Theo quy định dự thảo luật, “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mạn tính”. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có giải pháp, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho y tế cơ sở bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, tại mục 4.b Nghị quyết số 97/NQ-CP - Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6.2024, Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cần “Có cơ chế để thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, kiểm soát thanh toán BHYT thông qua phác đồ điều trị chuẩn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng chi cho y tế cơ sở”.
Do đó, đại biểu đề nghị trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cần có các quy định thể hiện rõ các cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng y tế cơ sở, đầu tư cơ sở vật chất, trang cấp thiết bị, hỗ trợ bác sỹ... Nhằm tăng cường cho cấp khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở, bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ giao.
Cũng theo đại biểu, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh, cần bổ sung trong dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 43 về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong phạm vi được hưởng. Trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh các chi phí mà người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc trước khi người bệnh ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Quy định này nhằm cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho người bệnh.