Đây là đề nghị của các đại biểu, chuyên gia khi tham dự Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.
Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chưa được đưa ra thị trường
Các đại biểu dự Hội thảo nêu rõ, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng là tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Dẫn nội dung này, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia -Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Xuân Hoài cho biết, một trong những hạn chế đó là: “Các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung. Chính vì vậy, kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ còn chưa được đưa ra thị trường, ứng dụng và thương mại hóa đúng với tiềm năng và chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước”. Do đó, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Khoa học và công nghệ phải phát huy cho được mối quan hệ giữa "ba nhà": Nhà nước - nhà nghiên cứu - nhà doanh nghiệp. Không nên hành chính hóa các cơ chế hợp tác giữa "ba nhà", trong đó Nhà nước giữ vai trò xúc tác, kiến tạo môi trường, hệ sinh thái; các hoạt động hợp tác để sử dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp theo cơ chế thỏa thuận, hợp đồng.
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia hiện đã và đang phát triển mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào quá trình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, dự thảo Luật cần có chính sách thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo và hình thành, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Dự thảo Luật nên quy định theo hướng đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến cấp phép, gia nhập hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ đó, khuyến khích, huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Xác định đặc thù của ngành, lĩnh vực để áp dụng mức kinh phí hợp lý
Quan tâm đến vấn đề kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước tại các viện nghiên cứu còn hạn chế so với yêu cầu thực tế, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Lệ Thủy thẳng thắn, “dù cơ chế tài chính đã có thay đổi, nhưng vẫn theo mô hình quản lý hành chính đối với khoa học nên rất khó thực hiện, gây cản trở để các nhà khoa học tập trung sáng tạo. Cơ chế phân bổ ngân sách cho khoa học còn nhiều bất cập. Cơ chế “xin - cho” còn phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng học thuật, khả năng đổi mới và sáng tạo trong khoa học”.
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 03/2023/TT - BTC quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 02/2023/TT - BKHCN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Song, các thông tư này chỉ giải quyết một số vướng mắc liên quan đến nội dung và định mức chi theo hướng phù hợp với thực tế. Trong khi đó, vẫn còn một số bất cập liên quan đến việc xác định mức kinh phí đối với một số nhiệm vụ cụ thể.
Đơn cử, “quy định về định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước chưa phù hợp về định mức ngày công, xác định số lượng ngày công, định mức kinh phí quản lý chung của nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phù hợp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, dự toán thực hiện các nhiệm vụ này thường có độ lệch so với thực tế tại thời điểm triển khai…” - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nêu rõ.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc giải ngân hiện còn gắn liền với những quy định thiếu linh hoạt, thủ tục thanh quyết toán phức tạp, nhiều hồ sơ thanh quyết toán, đây là vấn đề mà các nhà khoa học đã nhiều lần đề cập. Về chính sách, chúng ta đã có quy định về việc khoán chi tới sản phẩm cuối cùng nhưng cơ bản quy định này vẫn chưa được thực hiện trên thực tế… Những hạn chế này cần được khắc phục trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Mặt khác, định mức nghiên cứu khoa học giữa khu vực miền núi cũng như đồng bằng, giữa nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực nhân văn thấp hơn nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực tự nhiên nên chưa khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu đề tài, chương trình, dự án ở những vùng khó khăn. Từ những phân tích trên, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đề xuất, dự thảo Luật cần xác định vào đặc thù của ngành, lĩnh vực, khu vực cụ thể để áp dụng mức kinh phí hợp lý.