100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia
Thông tin tại hội nghị, đại diện Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết, giai đoạn 2020 - 2023, định hướng phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả cao. Việc cung cấp điện đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, đã đưa điện lưới quốc gia tới các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Mặt khác, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng điện với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế…
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tồn tại một số vấn đề mà các quy định trong Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Dẫn chứng cụ thể, có ý kiến nêu rằng, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, vấn đề hệ thống điện lưới, cơ sở hạ tầng lưới điện chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều khu vực chưa được tiếp cận điện ổn định, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa thực sự chấp hành các quy định về an toàn điện; việc phát triển năng lượng tái tạo còn hạn chế…
Có thể thấy, nhìn vào hệ thống điện Việt Nam, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có hàng trăm nhà đầu tư với đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn điện, góp phần đưa tỷ lệ điện năng lượng tái tạo đạt gần 30% trong tổng công suất đặt nguồn điện. Cùng với đó, cũng đã có những nhà đầu tư quan tâm, đã tham gia vào việc xây dựng lưới truyền tải điện cao áp… Song, từ những bất cập trong việc đầu tư nguồn điện, lưới điện thời gian qua, cùng với những đòi hỏi thực tế, một số đại biểu cho rằng, cần có những thay đổi để có thể sớm triển khai các dự án trong Quy hoạch điện 8.
Coi trọng chuyển dịch năng lượng
Đề cập đến Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc cho biết: Dự án Luật này dự kiến trình tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, gồm 9 chương với 130 điều; bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới. Cùng đó, hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường... Sửa Luật Điện lực trong bối cảnh chuyển đổi xanh, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần thiết phải quan tâm và coi trọng vấn đề chuyển dịch năng lượng; tạo thuận lợi kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án lớn.
Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thể hiện sự quan tâm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân cũng như các bên liên quan. Những ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo Luật, từ đó tạo ra một môi trường điện lực phát triển ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và đời sống Nhân dân.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
ĐẶNG BÍCH NGỌC
Liên quan đến các quy định về đấu thầu, có đại biểu cho rằng, việc rõ ràng trong các quy định pháp lý về đấu thầu, đấu giá hay cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư khi tham gia vào các dự án điện vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần làm rõ được trách nhiệm để xử lý các rủi ro, những rào cản, đặc biệt là rào cản liên quan đến hành lang pháp lý.
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, đại diện Công ty Điện lực Hòa Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương quan tâm phân bổ kinh phí Trung ương cho tỉnh Hòa Bình để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2030. Kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khi phê duyệt khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, đường giao thông đặc biệt lưu ý đến quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để không chồng lấn quy hoạch, bảo đảm hành lang phát triển lưới điện theo quy hoạch điện lực được duyệt. Mặt khác, các địa phương cần nhanh chóng báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án tháo gỡ khi cần điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng đột biến không có trong dự báo quy hoạch điện khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.