Việc phòng chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật không chỉ dừng ở việc thực hiện nghiêm quy trình lập pháp, nâng cao trách nhiệm người có quyền hạn, trách nhiệm tham gia công tác lập pháp, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, lệch lạc trong tiến trình thực hiện mà còn cần có bước đột phá trong công tác lập pháp khi hệ thống pháp luật của Việt Nam dần hoàn chỉnh trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và khi chúng ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước với yêu cầu mới, thách thức mới đặt ra.
Trong bước đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, thì trước tiên siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm ở trong tất cả các khâu, các cấp độ văn bản, các chủ thể tham gia. Việc thực hiện quy trình cần đảm bảo dân chủ, minh bạch, khả thi, đánh giá tác động chính sách thực chất, thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp và không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ xen vào; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thiết kế các quy định pháp luật.
Bảo đảm kỷ luật về thời hạn, thời gian trong từng bước quy trình xây dựng và khi luật có hiệu lực nhất là thời hạn gửi tài liệu thẩm tra chính thức, thời hạn gửi tài liệu chính thức cho đại biểu, thời hạn ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản luật… Mỗi một khâu chậm trễ sẽ không bảo đảm thời gian vật chất xem xét dự án; làm suy giảm chất lượng xem xét thẩm định, thẩm tra, thông qua, cản trở đưa luật vào cuộc sống. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dự án khi được ban hành, gây khó khăn cho việc thực thi các chính sách mới để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc, phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn.
Kỷ luật về quy định cụ thể, không chung chung, không quy định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quy định chung chung là vấn đề còn vướng mắc lâu nay ở một số dự án luật có lĩnh vực điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều đạo luật khác. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến văn bản hướng dẫn nhiều tầng nấc khó kiểm soát. Mặt khác, việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm trễ dẫn đến tình trạng nợ văn bản kéo dài, cản trở đưa luật vào cuộc sống; làm suy yếu hệ thống luật và cũng là cơ hội để trục lợi từ các quy định lạc hậu.
Chất lượng xây dựng văn bản pháp luật ở tất cả các khâu của quy trình xây dựng pháp luật có trách nhiệm quan trọng của người đứng đầu cơ quan soạn thảo - là cơ quan kiến nghị sáng kiến pháp luật và thay mặt Chính phủ trình dự án luật ra Quốc hội. Vì vậy, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng dự án trình Chính phủ, trình Quốc hội đến khi thông qua. Người đứng đầu là người lựa chọn ban biên tập, giao nhiệm vụ triển khai; trực tiếp thực hiện cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chịu trách nhiệm về nội dung và không để nhóm lợi ích trục lợi.
Phát huy hơn nữa vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo văn bản pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Đồng thời, Mặt trận cần đổi mới cách tổ chức phản biện xã hội, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan tham gia xây dựng pháp luật, tạo ra các diễn đàn thảo luận, góp ý kiến rộng rãi trong công chúng; trong chuyên gia kinh tế, pháp luật, nhà quản lý và đặc biệt là những người chịu sự tác động trực tiếp của các dự thảo luật.
Phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, gắn với đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Điều này đòi hỏi đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong quy trình lập pháp và yêu cầu đặt ra trong bước phát triển mới của đất nước, trong đó chú trọng làm tốt một số công việc như sau:
Trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra. Các cơ quan này không chỉ là tai mắt, phản biện chính sách, phát hiện những sơ hở, “cài cắm” trong các quy định; bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật… mà cần phát huy vai trò cơ quan kiến tạo chính sách; cơ quan có quyền sáng kiến lập pháp. Từ đó có thể kiến nghị bổ sung chính sách, các điều khoản cụ thể hoàn thiện chính sách trong quá trình thẩm định, thẩm tra, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án. Cơ quan thẩm định, thẩm tra cũng cần làm tốt khâu phát hiện những khuyết thiếu trong dự án mà cơ quan soạn thảo bỏ qua như quy định chung chung hay những quy định dễ dàng cho cơ quan quản lý mà đẩy “những rắc rối” trong thực hiện cho đối tượng thực thi.
Thứ hai là xây dựng luật theo hướng cụ thể nhưng đúng thẩm quyền, không bao biện, cầu toàn; chú trọng các đạo luật ngắn gọn, luật sửa đổi, bổ sung một số điều hay một luật sửa nhiều luật để khắc phục ngay các bất cập, khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ các “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật không còn phù hợp. Điều này phải trở thành tư duy lập pháp mới với hướng sửa đổi, bổ sung cụ thể những vấn đề cần thiết, cấp thiết, đã rõ. Cần tập trung chỉnh sửa, giải thích luật gỡ điểm nghẽn trong hệ thống văn bản luật hiện hành; trên cơ sở đó hợp nhất thành văn bản thành luật mới hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cần loại bỏ dự án luật cầu toàn, chưa tổng kết thực tiễn đầy đủ, điều kiện chưa chín muồi ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Cách làm này tránh việc “bắc nước sôi chờ gạo”; chạy theo yêu cầu số lượng với nhiều chính sách chưa rõ ràng, quy định chung chung tạo “lỗ hổng” pháp luật và sẽ có nguy cơ bị “nhóm lợi ích” lợi dụng trục lợi.
Thứ ba, Chính phủ đã có Nghị định số 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định giới hạn thẩm quyền, nhiệm vụ nhất là vấn đề của hệ thống pháp luật, vấn đề liên ngành, địa phương hay xung đột trong các quy định của văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội hay giải thích luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của UBTVQH… Chính vì vậy, Chính phủ, các Bộ cần đẩy mạnh công tác pháp điển hóa và rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo lĩnh vực, thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện quy định chồng chéo hay lỗ hổng, bị “cài cắm” lợi ích nhóm hay quy định lạc hậu, mâu thuẫn, thiếu khả thi hay hết hiệu lực pháp luật để kiến nghị Quốc hội, UBTVQH sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hay giải thích luật nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất…
“Quốc hội, các cơ quan Quốc hội có trách nhiệm lớn là pháp điển hóa bằng việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật và các nghị quyết… Mà muốn làm được như vậy thì phải xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng Quốc hội, phải có văn bản để phân công công việc về mặt thẩm tra, phối hợp thẩm tra; phải có một văn bản, một cơ sở dữ liệu, một cách thức làm khoa học… Rất nhiều vấn đề cần phải được cụ thể ban hành bằng một nghị quyết thì mới triển khai được.”
TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Thứ tư là nghiên cứu, xây dựng Luật Quy định về kiểm soát “vận động hành lang” trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc một ngành, một nhóm có cùng lợi ích, hay địa phương, doanh nghiệp tiến hành vận động với mục đích bảo vệ hay gia tăng lợi ích của mình trong xây dựng chính sách pháp luật không phải là hiếm và diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là hoạt động có tính hai mặt. Một mặt tích cực là quảng bá hình ảnh, lĩnh vực cần quản lý và và thu hút sự ủng hộ từ dự luận, bảo vệ tối đa những lợi ích chính đáng của mình trong xây dựng pháp luật. Mặt khác có những biểu hiện tiêu cực như lạm dụng quyền vận động để tác động chính sách trái pháp luật, phản bác chính sách đúng đắn để bảo vệ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị khi mâu thuẫn lợi ích chung, “gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển”. Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành quy định về “vận động hành lang” để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, phát huy mặt tích cực, ngăn chặn những phát sinh tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xây dựng pháp luật.
Bài: Thanh Hà, Lê Hùng, Vi Hoa
Trình bày: Xuân Tùng, Trung Hiếu
-------------------
Tài liệu tham khảo:
- Hiến pháp năm 2013.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
- Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 196, 200, 285
- Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Ngày 21 tháng 10 năm 2024)
- Công thư số 15/CTQH của Chủ tịch Quốc hội ngày 29 tháng 10 năm 2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
- Công thư số 17/CTQH của Chủ tịch Quốc hội ngày 11 tháng 11 năm 2024 về tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8
- Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam, (TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.
- Bài: Phòng, chống tham nhũng trong quy trình xây dựng pháp luật. (PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)
- PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu: “Phòng, chống tham nhũng và kiểm soát vận động chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật.” Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14.11.2022 ( https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/)
- GS-TSKHPhan Xuân Sơn: “Tham nhũng chính sách: Hậu quả lớn, trách nhiệm nhẹ”, Báo điện tử Dân Việt, ngày 12.11.2015
- Bài “Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay” (TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ)