Chỉ lấy ý kiến với các quy hoạch có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp tới người dân
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám đã được chỉnh lý theo hướng thiết kế lại Điều 35 và Điều 36, phân biệt giữa việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ quy hoạch và lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn về trách nhiệm, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến.
Theo đó, chỉ lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với quy hoạch đô thị và nông thôn; trình tự, thủ tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện theo quy định pháp luật về thực hiện dân chủ; cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến cộng đồng dân cư và phải công bố công khai, bảo đảm quy chế dân chủ. Phạm vi đối tượng lấy ý kiến được xác định rõ tại nhiệm vụ quy hoạch đô thị nông thôn…
Cho rằng vẫn cần tiếp tục xem xét phạm vi các loại quy hoạch lấy ý kiến cộng đồng dân cư, trình tự thủ tục lấy ý kiến quy định tại Điều 36, dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) phân tích, tại điểm a, khoản 2, Điều 36 quy định: Tất cả các loại quy hoạch đô thị và nông thôn đều phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan; trình tự, thủ tục lấy ý kiến theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Nhưng điểm b, khoản 6, Điều 36 lại quy định về thời hạn và một số hình thức lấy ý kiến khác với quy định của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Do vậy, quy định tại 2 điều này chưa thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, từ thực tiễn phản ánh tại địa phương và cơ sở cho thấy, việc tổ chức lấy ý kiến với số lượng lớn các loại quy hoạch với phạm vi, quy mô, tính chất khác nhau và cách thức thực hiện như quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả, dễ dẫn đến hình thức và lãng phí.
Đại biểu đề nghị, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ nên giới hạn áp dụng với các quy hoạch có ảnh hưởng liên quan trực tiếp tới người dân như: quy hoạch chung ở xã, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có ranh giới, phạm vi quy hoạch trên địa bàn hành chính cấp xã. Đối với các quy hoạch khác mang tính vĩ mô thì nên có hình thức phù hợp hơn như cách làm trước đây là công bố quy hoạch và người dân quan tâm có thể tham gia ý kiến trực tiếp. Đồng thời, cần xem xét sửa khoản 6, Điều 25 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để cập nhật các nội dung quy hoạch cần lấy ý kiến người dân.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, điểm a khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật quy định “Quy hoạch đô thị và nông thôn phải được lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng dân cư có liên quan”.
Tuy nhiên, về cơ bản các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là các bước cụ thể hóa quy hoạch chung mà từ bước lập quy hoạch chung đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thẩm định, trình phê duyệt theo quy định. Do vậy, đối với nội dung các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần quy định theo hướng giảm bớt thủ tục lấy ý kiến rộng rãi, không làm kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch, chậm đưa các dự án vào triển khai thực hiện.
Quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi lại cho cộng đồng dân cư
Nhấn mạnh việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch, tuy nhiên ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) lưu ý, quy hoạch đô thị và nông thôn mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ… và không phải người dân nào cũng hiểu rõ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Để có được quy hoạch tốt, bảo đảm sự đồng thuận của người dân, tránh hình thức trong việc lấy ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ngoài quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn như dự thảo Luật, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến, chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư để người dân có ý kiến.
Dự thảo Luật quy định thời gian lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch trong vòng 30 ngày, nhưng chưa quy định về việc tiếp thu, phản hồi ý kiến như thế nào, vì vậy ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cơ quan soạn thảo quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi lại cho cộng đồng dân cư. Đồng thời, bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch để bảo đảm minh bạch và đồng thuận, thuận lợi hơn trong quá trình triển khai quy hoạch.
Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp và người dân, liên quan đến nhiều quy định của các pháp luật khác. Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có tố kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch tỉnh... Hoạt động quy hoạch vừa có tính chất kỹ thuật, vừa là quy trình có tính hành chính quản lý nhà nước. Do đó, với tính chất đặc thù của hoạt động quy hoạch như vậy đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phải rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy định pháp luật liên quan và tính khả thi khi triển khai thi hành trên thực tế.
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát trong quá trình hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.