Cân nhắc mở rộng phạm vi của chi thường xuyên
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, vướng mắc do chưa xác định rõ các khoản chi cải tạo, nâng cấp, sửa chữa tài sản công được bố trí từ nguồn đầu tư công hay chi thường xuyên ngân sách nhà nước đã được đại biểu Quốc hội đặt ra. Nêu rõ nguyên nhân của vướng mắc này, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho công tác sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.
Để làm rõ quy định này tại luật, Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất đã có quy định về sử dụng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để thực hiện công tác này. Tuy nhiên, tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công đã không điều chỉnh vấn đề sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản; đồng thời, quy định bãi bỏ Thông tư số 92. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng trong lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản chi từ nguồn thường xuyên cho các công việc sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng do thiếu cơ sở pháp lý và căn cứ thực hiện.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên của nhiều địa phương, tại Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật), Chính phủ đã đề xuất sửa đổi quy định liên quan tại Luật Ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất quy định rõ tại Luật Ngân sách nhà nước nội dung chi ngân sách thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương có thể kịp thời, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương có thể chủ động bố trí kinh phí từ hai nguồn chi trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phát sinh trong điều hành thực tế, nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị…
Quy định trên sẽ giúp thực hiện các nhiệm vụ phát sinh một cách linh hoạt, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, phạm vi chính sách đề xuất được mở rộng rất nhiều so với quy định hiện hành và mở rộng nhiều đối tượng so với dự thảo Nghị định của Chính phủ dự kiến ban hành. Dự thảo luật cũng không quy định rõ về điều kiện được sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho nhiệm vụ mang tính chất đầu tư; mức độ giới hạn về tổng mức vốn của nhiệm vụ chi trong các trường hợp được sử dụng vốn chi thường xuyên.
Do đó, thẩm tra sơ bộ dự án luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị sửa lại quy định trong dự thảo luật thành “chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng được sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư phát triển. Chính phủ quy định việc sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư phát triển theo tính chất và quy mô đối với các nhiệm vụ chi cụ thể”.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần xác định rõ trong Luật Ngân sách nhà nước các nhiệm vụ chi tùy vào tính chất, quy mô được sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư theo quy định của Chính phủ; đồng thời, bỏ quy định “xây dựng mới” trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
“Phải báo cáo ngay, không để xong việc rồi mới báo cáo”
Quy định nêu trên tại Luật Ngân sách nhà nước có liên quan đến nhiều luật khác. Do vậy, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật tại Phiên họp thứ 38, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc dự thảo luật quy định “cho phép sử dụng chi thường xuyên để thực hiện việc chi lập, thẩm định nhiệm vụ, lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch” là cần thiết để tháo gỡ các vướng mắc của địa phương, thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu lại quy định đối với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng vốn đầu tư công, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành sử dụng vốn chi thường xuyên. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát để bảo đảm thống nhất giữa hai dự thảo luật được dự kiến sẽ cùng trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Cũng trong nội dung sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc dự thảo luật quy định “đối với các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên chưa phân bổ đầu năm thì giao Chính phủ tổ chức thực hiện báo cáo kết quả cuối cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của năm” là phù hợp với quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
Tuy nhiên, "theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương. Nếu ủy quyền cho Chính phủ việc tổ chức thực hiện thì phải báo cáo kịp thời, không thể để đến khi quyết toán mới báo cáo, vì lúc đó có đề nghị điều chỉnh cũng xong hết việc rồi”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý.
Nhấn mạnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật được dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình, thủ tục rút gọn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, thực hiện đúng quan điểm của Trung ương “chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao”. “Càng rút gọn thì càng phải làm cho chuẩn chỉ để các nội dung trình ra Quốc hội có tính thuyết phục cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.