Khắc phục triệt để những vướng mắc, tồn tại
Luật Điện lực năm 2004 và các luật sửa đổi, bổ sung đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy, còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. Đồng thời, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Đơn cử, về quy hoạch phát triển điện lực, cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ. Cụ thể, Luật Điện lực chưa có đủ quy định, chế tài để bảo đảm triển khai thực hiện các dự án điện lực tuân thủ quy hoạch được duyệt; chưa có quy định phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý chủ đầu tư các dự án nguồn điện triển khai bị chậm tiến độ, kéo dài, không có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, thiếu tính tuân thủ và sự phối hợp, ủng hộ của địa phương đối với quy hoạch đã được phê duyệt, chậm bố trí nguồn lực để triển khai dự án.
Đối với đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, hiện nay, còn rất nhiều thôn, bản, một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi. Như vậy, cần thiết điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Điện lực năm 2004, quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư công cho đầu tư phát triển lưới điện vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Bảo đảm tính đúng, tính đủ
Theo các chuyên gia, với chính sách giá điện, cần bảo đảm việc tính đúng, tính đủ; bảo đảm lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực phải kế thừa nguyên tắc đang được quy định tại Luật Điện lực. Đồng thời, tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp theo hướng giá điện bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực. Bên cạnh đó, bổ sung chính sách giá điện bảo đảm khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.
Luật Điện lực hiện hành quy định, "thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng". Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định chính sách về việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện; áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao; đồng thời, quy định Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình giảm bù chéo giá điện.
Đối với công tác vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, Luật Điện lực hiện hành thiếu quy định về phân cấp cụ thể cho Bộ Công Thương - Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện trách nhiệm quy định; điều chỉnh, hướng dẫn các vấn đề kỹ thuật, vận hành hệ thống điện, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của hệ thống điện quốc gia phải thường xuyên cập nhật theo thực tiễn đổi mới công nghệ và mức độ phát triển của xã hội.