Hoàn thiện thể chế thúc đẩy tăng trưởng
Cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao công tác xây dựng thể chế thời gian qua. Trong đó, Chính phủ đã tập trung nghiên cứu và đề xuất nhiều nội dung, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Quốc hội cũng rất tích cực, đồng hành với Chính phủ trong xem xét, hoàn thiện thể chế, nhiều nội dung đã từng bước được tháo gỡ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh đến sự tác động của các luật vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngay. Điển hình là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, giúp gia tăng đột biến lượng khách du lịch. Việc ban hành Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã giúp phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở…
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lưu ý đến những vấn đề còn nổi cộm, cần được nhìn nhận và đánh giá cụ thể xem quản lý chất lượng giáo dục đã tốt hay chưa. Bên cạnh đó là tình hình bạo lực học đường, thuốc lá điện tử vẫn là vấn đề nhức nhối.
Cũng liên quan đến giáo dục, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, vấn đề nhiều người dân quan tâm là “lạm thu” đầu năm học. Đây là hiện tượng không mới, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã tổ chức giám sát và tích cực giải quyết, xử lý nhưng thực tế vẫn còn tồn tại. Do đó, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị, Chính phủ báo cáo thêm về những biện pháp đã làm được, những việc gì chưa làm và có biện pháp xử lý quyết liệt hơn nữa, “bệnh cũ nhưng phương thuốc điều trị phải mới”, chúng ta đã làm rồi, cần phải có những biện pháp mới hơn nữa.
Về vấn đề sách giáo khoa, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, thực hiện cải cách, đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục thì một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi trường học có thể sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc này rất tốt, đang được ủng hộ vì trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên, mỗi học sinh khi chuyển từ trường này sang trường khác có thể phải thay hoặc mua mới bộ sách giáo khoa.
Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, “tham khảo trên mạng, giá mỗi bộ sách giáo khoa, không kể sách tham khảo là hơn 300 nghìn đồng/bộ. Đây là cũng là một khoản chi lớn đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Do vậy, các bộ, ngành xem xét để các tỉnh vùng sâu, vùng xa có tủ sách giáo khoa trong các thư viện, để giúp trẻ em không mua được sách có thể mượn được sách từ thư viện, nhất là vừa qua, xảy ra bão lũ, trẻ em miền xuôi muốn ủng hộ sách giáo khoa cho vùng miền núi rất khó vì không biết sử dụng bộ sách giáo khoa nào”.
Xây dựng pháp luật phải bảo đảm thời gian, chất lượng
Đánh giá cao Chính phủ đã rất tích cực phòng ngừa, khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, bổ sung trong Báo cáo của Chính phủ những tác động của cơn bão Yagi đối với các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực xã hội như tỷ lệ hộ nghèo…
Liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chỉ ra, tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi chủ trương của chúng ta là chính thức hóa lao động phi chính thức. Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung số liệu về việc chính thức hóa lao động phi chính thức.
Nhấn mạnh công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân rất được quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đến công tác dự báo, giám sát, phát hiện sớm, nâng tỷ lệ hài lòng ở mức trên 80%. Song, tình trạng thiếu thuốc vẫn đáng lo ngại. Đặc biệt là tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt mục tiêu trên 90%. Đến tháng 8 vừa qua, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về kinh phí để mua vaccine, do đó, cần đánh giá giữa việc chậm mua vaccine, thiếu vaccine với các bệnh truyền nhiễm.
Đáng lưu ý, “đến nay Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc hoàn trả tiền người dân khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế theo Nghị quyết 109/2023/QH15 tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chỉ rõ.
Nhấn mạnh, năm 2025, một trong những giải pháp căn bản, toàn diện là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, chúng ta cần khắc phục cho được “độ trễ” của chính sách. Vừa qua Chính phủ đã họp và thể hiện quyết tâm này, nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 vẫn chậm, rõ ràng vẫn còn chính sách có độ trễ, chậm đi vào cuộc sống và không phát huy được tác dụng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo, bảo đảm thời gian, chất lượng. Liên quan đến nhiều vấn đề cử tri nêu, từ nay đến cuối năm và cả năm 2025, cần nâng cao chất lượng dạy và học, để không còn những than phiền, những khó khăn đối với phụ huynh, học sinh. Chú trọng nâng cao chất lượng khám sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, ngày 1.1.2025, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành, nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, thì người dân càng mong chờ ở những chính sách mới này, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.