Đấu tranh phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật là quá trình phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tham nhũng xảy ra trong quy trình xây dựng pháp luật; là đấu tranh với những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bảo đảm các quy định pháp luật được xây dựng và ban hành một cách minh bạch, công bằng và không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm
Tham nhũng trong xây dựng pháp luật luôn được “ngụy trang”, che đậy dưới nhiều hình thức, vỏ bọc như “vì lợi ích chung”, “chính sách đặc thù”, “kinh nghiệm quốc tế”... Dưới vỏ bọc đó, hành vi tham nhũng diễn ra một cách tinh vi, lẩn khuất trong suốt quá trình xây dựng pháp luật, từ khâu sáng kiến đến ban hành và bị trục lợi khi thực thi. Trong quá trình xây dựng văn bản khó có thể phát hiện được ngay mà chỉ đến khi đi vào cuộc sống, gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp… thì mới được nhận diện, xem xét và xử lý.
Trực tiếp tham mưu sai khi xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng là một ví dụ. Quá trình thực hiện, ông Vượng biết rõ chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận với “các dự án điện mặt trời nối lưới và hạ tầng đấu nối công suất 2.000 MW được chấp thuận triển khai". Tuy nhiên, ông Vượng đã cố ý điều chỉnh câu chữ, thay đổi diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi, chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg theo hướng "mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi" thành "các dự án được phê duyệt bổ sung sẽ được hưởng giá điện ưu đãi". Việc điều chỉnh diện đối tượng nêu trên là trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng… Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường “Việc khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng về hành vi tham mưu ban hành văn bản có lợi cho một số doanh nghiệp gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước là minh chứng rõ về thực trạng tham nhũng chính sách.”
Việc cài cắm lợi ích vào dự thảo văn bản Luật Phòng, chống tác hại rượu bia là một ví dụ điển hình. Quá trình soạn thảo có sự “giằng xé” giữa bảo vệ sức khỏe và lợi ích kinh tế của riêng doanh nghiệp. Và biểu hiện “cài cắm” chính sách “xuất hiện cô đọng” ở 2 từ “lạm dụng”. Theo Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang: “Có những ý kiến muốn thêm hai từ “lạm dụng” vào luật, điều này dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu rằng chỉ khi “lạm dụng” mới gây hại. Nhưng thực tế, bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn. Chỉ cần vài chén rượu, biêng biêng đi đường đã có thể gây tai nạn, thiệt mạng”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Hơn nữa, mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia. Việc thay đổi tên luật thành Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự thảo luật.
Quy định lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý cũng chính là tham nhũng trong xây dựng pháp luật. Hàng loạt vụ án tham nhũng về đất đai bị khởi tố, xét xử trong thời gian vừa qua, trong đó, vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) là một trong những ví dụ điển hình cho thấy, việc chấp hành pháp luật về đất đai không nghiêm, quản lý chưa chặt, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý. Bên cạnh đó cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát ngân sách nhà nước.
“Vận động hành lang”, hay “truyền thông một chiều”, hay áp dụng kinh nghiệm quốc tế không phù hợp thực tiễn Việt Nam… cũng là những phương thức trong xây dựng chính sách pháp luật dễ bị “nhóm lợi ích” thao túng tổ chức tinh vi, có hệ thống tác động vào quá trình xây dựng pháp luật làm cho một số quy định chệch hướng, có lợi cho một nhóm lợi ích, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trục lợi khi thực thi…
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để vụ lợi. Tham nhũng trong xây dựng pháp luật chính là hành vi bẻ cong quy định của pháp luật để vụ lợi cho một nhóm người, cục bộ theo ngành, nghề, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thậm chí là cá nhân. Hành vi tham nhũng này thể hiện mối quan hệ việc ban hành quy định pháp luật tạo tiền đề cho việc trục lợi khi thực thi quy định đó. Trong đó, chủ thể tham nhũng trong xây dựng pháp luật là người có chức vụ, quyền hạn hoặc có liên quan đến đối tượng điều chỉnh của văn bản pháp luật. Vì vậy, chủ thể là cá nhân rất khó xảy ra mà thường là một nhóm liên kết hay còn gọi là “nhóm lợi ích”.
“Nhóm lợi ích” này tìm cách tác động trực tiếp vào quá trình chuẩn bị hay tác động đến các chủ thể, tổ chức và cá nhân tham gia vào quá trình chuẩn bị, soạn thảo, trình, thông qua chính sách pháp luật nhằm vụ lợi. Sử dụng “thủ đoạn” tinh vi, ngấm ngầm đánh đổi lợi ích riêng; hay có thể hối lộ dưới nhiều hình thức che đậy như tặng quà, tham quan nước ngoài.. hay truyền thông một chiều; đưa tin thiên lệch không đầy đủ, khách quan… Việc tìm ra những hành vi tham nhũng ngay trong quá trình xây dựng pháp luật là không hề dễ dàng vì chỉ khi thực thi chính sách pháp luật ấy gây hậu quả thực tế mới có thể nhận diện nó một cách đầy đủ.
Điều 5 Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã điểm rõ ràng những hành vi tham nhũng trong xây dựng pháp luật. Đó là (1) Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ. (2) Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ. (3) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ. (4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi. (5) Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật. (6) Các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây là định hướng lớn, là kim chỉ nam cho công cuộc chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật.
Theo TS.Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thì "Quy định 178 của Bộ Chính trị là một văn bản hết sức quan trọng, nó làm cơ sở chính trị cho việc xác định trách nhiệm cụ thể của từng thiết chế, từng cơ quan, từng người có thẩm quyền trong việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật.”
Nhận diện rõ, đầy đủ, cụ thể, khách quan hành vi tham nhũng trong xây dựng pháp luật là bước đi đầu tiên, quan trọng trong “hành trình” phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực cực kỳ quan trọng này. Nó góp phần đấu tranh có hiệu quả với hình thức tham nhũng tinh vi, nguy hiểm; nâng cao năng lực phòng, chống tham nhũng qua việc thiết kế chính sách khoa học, minh bạch, bịt kín những kẽ hở và ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ các tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích” trong xây dựng pháp luật.
Bài: Thanh Hà, Lê Hùng, Vi Hoa.
Trình bày: Xuân Tùng, Trung Hiếu
-------------------
Tài liệu tham khảo:
- Hiến pháp năm 2013.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
- Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 196, 200, 285
- Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Ngày 21 tháng 10 năm 2024)
- Công thư số 15/CTQH của Chủ tịch Quốc hội ngày 29 tháng 10 năm 2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
- Công thư số 17/CTQH của Chủ tịch Quốc hội ngày 11 tháng 11 năm 2024 về tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8
- Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam, (TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.
- Bài: Phòng, chống tham nhũng trong quy trình xây dựng pháp luật. (PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)
- PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu: “Phòng, chống tham nhũng và kiểm soát vận động chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật.” Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14.11.2022 ( https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/)
- GS-TSKH Phan Xuân Sơn: “Tham nhũng chính sách: Hậu quả lớn, trách nhiệm nhẹ”, Báo điện tử Dân Việt, ngày 12.11.2015
- Bài “Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay” (TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ)