Bằng những phương thức khác nhau, “nhóm lợi ích” đã thao túng, tác động vào quá trình xây dựng pháp luật nhằm đưa ra những quy định pháp luật chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người hay cục bộ, địa phương… Đây chính là hành vi lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao, “bẻ cong pháp luật” để trục lợi, gây hậu quả trên nhiều phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Tham nhũng trong xây dựng pháp luật gián tiếp “kết nối với thực thi”, rất tinh vi và là một chuỗi hành động được tính toán nhằm trục lợi “công khai” qua thực hiện các quy định “méo mó” được ban hành, gây hậu quả nặng nề, lâu dài, trên phạm vi rộng và trên nhiều phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Hậu quả đó có thể mang tính chất định tính xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tác động xấu tới hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước hoặc có thể định lượng được như việc cố ý điều chỉnh câu chữ, thay đổi diện đối tượng được hưởng chính sách như giá điện ưu đãi, ban hành văn bản trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ ở Bộ Công Thương làm thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay tham nhũng chính sách làm gia tăng sự phân hóa và bất bình đẳng xã hội, bất công xã hội trong những “điểm nghẽn” của pháp luật… làm mất niềm tin của Nhân dân vào các giá trị tốt đẹp của đất nước.
Về kinh tế, tham nhũng trong xây dựng pháp luật là tạo điều kiện để nhóm lợi ích trục lợi trên những giá trị tài sản, đất đai, lợi nhuận, cổ phiếu hay thao túng thị trường… bằng cách đưa ra quy định làm cho môi trường kinh doanh trở nên mù mờ, thiếu bình đẳng; khó quản lý hay tạo cơ chế “xin – cho” dễ bề lách luật. Từ đó, cản trở cạnh tranh phát triển lành mạnh của doanh nghiệp, nền kinh tế trở nên ì ạch, kém hiệu quả. Các doanh nghiệp gánh nhiều chi phí bất hợp lý hoặc bỏ lỡ cơ hội mở rộng, tăng tốc phát triển.... Theo TS Nguyễn Đình Quyền, thì những quy định mang tính chất chung chung, nó là mảnh đất để những người có ý đồ cài cắm những lợi ích nhóm ở các văn bản dưới luật. Chẳng hạn như những văn bản về đấu thầu, đấu giá, xác định quyền sử dụng đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xin cấp và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong các dự án, cấp duyệt ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia, mua sắm tài sản công... Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật này lại thường xuyên liên quan trực tiếp đến một cơ chế gọi là “xin - cho”; “xin - cho” giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và doanh nghiệp, giữa trung ương và địa phương…
Việc để lọt những “quy định pháp luật bị bẻ cong” vào cuộc sống do tham nhũng trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật đã nuôi dưỡng hiện tượng văn hóa xã hội “chạy chọt”, “xin – cho” chính sách hay tư duy của “một nhóm người” cho rằng bằng tiềm lực tài chính, quen biết có thể tác động vào hoạt động xây dựng pháp luật để ban hành quy định cho lợi ích nhóm, nhằm trục lợi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp… Từ đó, làm gia tăng sự phân hóa và bất bình đẳng xã hội, bất công xã hội, tạo ra những “điểm nghẽn” của pháp luật, của thể chế… làm mất niềm tin của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước và các giá trị tốt đẹp của đất nước.
Về an ninh quốc phòng, tham nhũng trong xây dựng pháp luật làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước; làm sai lệch bản chất chế độ, tha hóa cán bộ; đe dọa sự phát triển ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Nhìn nhận về nguyên nhân phát sinh tham nhũng trong xây dựng pháp luật có nhiều cách tiếp cận khác nhau: từ năng lực, phẩm chất của người có chức vụ, quyền hạn, lợi ích liên quan hay từ sơ hở trong quy trình xây dựng luật chưa được chấp hành nghiêm, hay tính hình thức trong lấy ý kiến xây dựng luật… Đó là mảnh đất màu mỡ cho “nhóm lợi ích” vụ lợi, bẻ cong pháp luật, tác động để ban hành những văn bản, những quy định nhằm trục lợi.
Có thể thấy, việc nghiên cứu chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra tiếp thu giải trình và ban hành văn bản pháp luật... có việc, có lúc chưa làm đúng, làm chưa hết trách nhiệm của các chủ thể thực hiện là nguyên nhân đầu tiên phát sinh tiêu cực, chệch hướng. Thậm chí có trường hợp lợi dụng quyền hạn của mình trực tiếp chỉ đạo làm làm sai lệch quy định hay bắt tay chia chác lợi ích “tiềm ẩn” từ chính sách cho các doanh nghiệp, “nhóm lợi ích” công - tư hoặc cá nhân. Mặt khác, cơ quan thẩm định, thẩm tra ở mỗi cấp có chỗ sơ hở, thiếu thông tin, dễ dàng thông qua văn bản khi “chưa chín mùi” hoặc thông qua những văn bản bị các “nhóm lợi ích” chi phối “ngầm” về nội dung.
Một tồn tại lâu nay trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật là sự tham gia của người dân hay đối tượng thụ hưởng chính sách còn hạn hẹp; tổ chức trao đổi, nghiên cứu lấy ý kiến chuyên gia hay đối tượng chịu sự tác động còn hời hợt; lấy ý kiến Nhân dân có chỗ hình thức, chưa phù hợp yêu cầu từng cấp độ văn bản; việc tổng hợp ý kiến có chỗ còn xem nhẹ… thì đây là “lỗ hổng”, là môi trường cho tham nhũng trong xây dựng pháp luật dễ phát sinh.
Mặc dù quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chặt chẽ nhưng thực thi quy trình không nghiêm sẽ tạo cơ hội nảy sinh tham nhũng trong quá trình xây dựng pháp luật; nếu không thu hút sự tham gia thực chất của các đối tượng chịu tác động, không bảo đảm trình tự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau… thì “nhóm lợi ích” dễ dàng lợi dụng để tác động vào quá trình này, quy định có nguy cơ chệch hướng, tạo lỗ hổng cho trục lợi.
Thực tiễn cho thấy, tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay tham nhũng chính sách xảy ra chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực, địa phương mà cơ chế kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo; việc tổ chức thực hiện không chặt chẽ; kỷ luật thực hiện quy trình ban hành văn bản pháp luật chưa nghiêm. Mặt khác, một số doanh nghiệp, tổ chức tìm cách tác động vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật hòng mang lợi ích tối ưu cho họ; đồng thời việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật không tiến hành thường xuyên, nghiêm ngặt, đầy đủ nhất là khi văn bản pháp luật đi vào thực thi gặp những trở ngại, vướng mắc.
Bài: Thanh Hà, Lê Hùng, Vi Hoa
Trình bày: Xuân Tùng, Trung Hiếu
-------------------
Tài liệu tham khảo:
- Hiến pháp năm 2013.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
- Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 196, 200, 285.
- Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Ngày 21 tháng 10 năm 2024).
- Công thư số 15/CTQH của Chủ tịch Quốc hội ngày 29 tháng 10 năm 2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật.
- Công thư số 17/CTQH của Chủ tịch Quốc hội ngày 11 tháng 11 năm 2024 về tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8.
- Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam, (TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.
- Bài: Phòng, chống tham nhũng trong quy trình xây dựng pháp luật. (PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội).
- PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu: “Phòng, chống tham nhũng và kiểm soát vận động chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật.” Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14.11.2022 ( https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/).
- GS-TSKH Phan Xuân Sơn: “Tham nhũng chính sách: Hậu quả lớn, trách nhiệm nhẹ”, Báo điện tử Dân Việt, ngày 12.11.2015.
- Bài “Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay” (TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ).