Sau hơn 6 năm thi hành, Luật Thuỷ lợi đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc trong các hoạt động từ đầu tư xây dựng đến quản lý khai thác, bảo vệ công trình. Những vướng mắc này đặt ra yêu cầu phải rà soát, đánh giá kết quả thi hành Luật Thuỷ lợi.
Năm 2024, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ Cục Thủy lợi tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá việc thực thi Luật Thủy lợi từ tháng 5-8.2024.
Việc rà soát, đánh giá Luật Thuỷ lợi được tiến hành trên cơ sở: (i) rà soát đánh giá những tồn tại vướng mắc trong quá trình thực thi dựa trên kết quả tổng hợp báo cáo đánh giá của các tỉnh, thành và kết quả tham vấn tại 08 địa phương đại diện theo vùng địa lý và loại hình tổ chức quản lý khai thác (các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắc Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Hậu Giang); và (ii) rà soát các quy định của các luật khác có liên quan (09 luật) đến Luật Thủy lợi.
Việc rà soát, đánh giá đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý và hiệu quả của công tác thủy lợi, phục vụ xây dựng sửa đổi bổ sung Luật Thủy lợi và các văn bản pháp luật có liên quan.
Những hạn chế về việc thực thi Luật Thuỷ lợi và các văn bản pháp luật có liên quan
Quá trình rà soát, đánh giá từ báo cáo tổng hợp của các địa phương và tham vấn với 08 tỉnh cho thấy, việc thực thi Luật Thuỷ lợi có một số vấn đề chính đang gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ như sau:
- (i) Đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi nhất là sửa chữa, bảo trì, vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của nhiều địa phương, nhất là công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng;
- (ii) Phân cấp quản lý công trình thuỷ lợi còn hạn chế, chưa gắn với quản lý kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, tiêu chí phân cấp vẫn chưa đề cập đến hết những đặc thù của các địa phương, loại hình tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ở một số địa phương chưa đúng với quy định của Luật, năng lực của các tổ chức quản lý khai thác còn hạn chế, nhất là các tổ chức thuỷ lợi cơ sở. Hoạt động quản lý khai thác chưa đem lại hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động, mở rộng các hoạt động dịch vụ khác để khai thác tiềm năng của hệ thống;
- (iii) Chưa thực hiện được các quy định về xây dựng, ban hành và thực thi giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi trong khi đó cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi chưa đầy đủ, thủ tục phức tạp khiến cho vấn đề này trở thành một trong những hạn chế lớn nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động quản lý, vận hành và bảo vệ để phát huy hiệu quả hệ thống công trình thuỷ lợi;
- (iv) Công tác vận hành, bảo vệ công trình thuỷ lợi cũng còn nhiều vướng mắc, nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi chưa có quy trình vận hành. Việc cắm mốc hành lang bảo vệ, xử lý vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình còn nhiều khó khăn, vẫn còn những vi phạm chưa xử lý triệt để;
- (v) Việc cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp kéo dài từ khâu lập hồ sơ đến công tác thẩm định, việc quản lý, giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi cũng là vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương.
Một số nội dung còn chưa thống nhất của Luật Thuỷ lợi với các Luật hiện hành khác
Kết quả rà soát với hệ thống văn bản luật hiện hành có 5 nhóm vấn đề chính có liên quan đến 09 luật (Tài Nguyên nước, Đất đai, Bảo vệ môi trường, Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản và Luật Ngân sách, Luật Hợp tác xã).
Năm nhóm vấn đề của Luật Thủy lợi có nội dung liên quan đến các luật khác, sắp xếp theo thứ tự mức độ ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực thực thi Luật Thuỷ lợi bao gồm: (i) Giá sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi; (ii) Quản lý, khai thác, vận hành công trình thuỷ lợi gồm cả kết cấu hạ tầng; (iii) Bảo vệ, đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi; (iv) Chất lượng nước; và (vi) Quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi. Về cơ bản các nhóm vấn đề chính này cũng tương đối phù hợp với các tồn tại rút ra từ quá trình rà soát, tham vấn, đánh giá và tổng kết việc thi hành Luật Thuỷ lợi của các địa phương trên toàn quốc.
Đề xuất điều chỉnh một số nội dung và các quy định có liên quan
Căn cứ vào kết quả rà soát việc thực thi Luật Thuỷ lợi, một số đề xuất lớn để sửa đổi, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi Luật theo thứ tự ưu tiên bao gồm bao gồm:
(i) Sớm sửa đổi các quy định về giá sản phẩm, dịch thuỷ lợi và cơ chế miễn, giảm tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi theo quy định cụ thể tại Nghị định 96/2018. Cụ thể là sửa đổi nguyên tắc, phương pháp định giá sản phẩm, dịch vụ công ích đảm bảo tính đúng, đủ các khoản chi phí. Điều chỉnh, cải thiện cơ chế cấp đủ kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thuỷ lợi.
(ii) Sửa đổi các quy định để tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức quản lý khai thác để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi: Thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, phát huy nội lực và vai trò của các bên liên quan, nhất là tổ chức thuỷ lợi cơ sở và người dân trong công tác thuỷ lợi, gắn phân cấp quản lý với quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng thuỷ lợi. Kiện toàn, củng cố các tổ chức thuỷ lợi bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và tổ chức thuỷ lợi cơ sở. Nâng cao chất lượng dịch vụ thuỷ lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong hệ thống thuỷ lợi.
(iii) Tăng cường công tác vận hành, bảo vệ và đảm bảo vận hành an toàn công trình: Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn công trình, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực thi pháp luật về thủy lợi tại địa phương. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước giúp các địa phương thực hiện hiệu quả bảo đảm an toàn CTTL và an ninh nguồn nước.
(iv) Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thuỷ lợi có trọng tâm, theo hướng đồng bộ, hiện đại, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Bố trí đủ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các nguồn lực của xã hội để xây dựng công trình thuỷ lợi.
(v) Tăng cường đôn đốc việc thực thi các quy định của Luật Thuỷ lợi để triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thực hiện các quy định của Luật Thuỷ lợi nhất là các nội dung liên quan đến công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.