Khẩn trương nhưng phải thận trọng, kỹ lưỡng
Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi chỉnh lý, tiếp thu đã có sự điều chỉnh ngắn gọn và thay đổi căn bản, giảm 26 điều, từ 71 điều xuống còn 45 điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, rất cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung khổ pháp lý thuận lợi và thống nhất cho xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như bảo vệ, tôn vinh nghề giáo. Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, góp phần hoàn thiện pháp luật về giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo về số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Nhấn mạnh đây là dự luật được ngành giáo dục rất quan tâm nhưng cũng là dự luật khó, phạm vi tác động lớn, bao gồm nhiều nội dung phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, với tinh thần khẩn trương nhưng phải thận trọng, kỹ lưỡng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hết sức quan tâm. Các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tư pháp “gác cổng” về mặt kỹ thuật, không để sai về từ ngữ, tránh chồng chéo với các luật khác, bảo đảm luật có "tuổi thọ" cao.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định phạm vi áp dụng với đối tượng nhà giáo được tuyển dụng làm việc trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở cả khối công lập và ngoài công lập.
Thống nhất với cách tiếp cận mới như hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đặt vấn đề dự thảo Luật có những quy định chung và quy định đặc thù đối với nhà giáo thì cần phân biệt đối tượng nhà giáo hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng theo quy định Luật Viên chức, còn những cơ chế, chính sách đặc thù đối với nhà giáo với tư cách một viên chức thì áp dụng theo những quy định của luật này. Tương tự, đối với nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài thì áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định của Luật Nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích, nếu dự thảo Luật thay thế hoàn toàn những quy định liên quan đến nhà giáo trong Luật Viên chức thì sẽ rất khó, bởi vì không thể nào quy định bao quát đầy đủ tất cả các cơ chế, chính sách mà hiện nay đang áp dụng cho viên chức. Do đó, nên tiếp cận theo hướng vẫn có những quy định riêng để áp dụng đối với việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, chế độ lương... đối với nhà giáo trong và ngoài công lập nhưng đồng thời có những quy định chung để áp dụng cho cả 2 đối tượng, nhất là về ghi nhận định danh, vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ cơ bản, nghĩa vụ phát triển nghề nghiệp, khen thưởng, một số chế độ, chính sách chung đối với nhà giáo.
“Quy định như vậy sẽ bảo đảm tạo mặt bằng thống nhất hơn giữa nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo công lập. Điều này là hợp lý và phản ánh đúng tinh thần, chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đơn vị sự công lập. Theo đó, tạo điều kiện để thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên cơ sở tạo một mặt bằng tương đối bình đẳng về cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục quốc dân, không phân biệt trong và ngoài công lập”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Đánh giá tác động đến đâu thì quy định phạm vi điều chỉnh đến đó
Trong dự thảo Luật, tại Điều 8 về quyền của nhà giáo, Điều 9 về nghĩa vụ của nhà giáo và các Điều 11, Điều 14, Điều 20... quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập đều có dẫn chiếu đến Luật Viên chức. Cụ thể, Điều 8 quy định “nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về viên chức”; Điều 9 quy định “nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về viên chức”. Điều 11 quy định “nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức”...
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, hiện nay, trong phần giải thích từ ngữ ghi rõ “Nhà giáo là người được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Như vậy, nên bổ sung thêm cụm từ “nhà giáo được tuyển dụng ở cơ sở giáo dục công lập là viên chức” vào quy định này để không phải dẫn chiếu nhiều quy định pháp luật.
Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, việc khẳng định nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức là cơ sở cho việc quy định chính sách tuyển dụng, tiếp nhận, biệt phái, thuyên chuyển cũng như chế độ, chính sách, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, bảo đảm thống nhất với Luật Viên chức, không phải nhắc lại tại từng điều, khoản.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, cần chú ý bảo đảm đánh giá tác động đến đâu thì quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đến đó, không dàn trải. Trong đó, lưu ý đối tượng áp dụng của dự thảo Luật với ba nhóm chính gồm: nhà giáo công lập, nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài làm việc trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bảo đảm tính phù hợp, khả thi của từng chính sách áp dụng cho từng nhóm đối tượng này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát về đối tượng, các quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật bảo đảm tính tương thích, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Trường hợp có xung đột, chồng lấn trong quy định pháp luật thì cần giải trình, chứng minh sự cần thiết của chính sách đặc thù, như nhà giáo công lập là viên chức đặc thù, nhà giáo ngoài công lập là người lao động đặc thù một cách rất thuyết phục, phù hợp và khả thi. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần rà soát thật kỹ lưỡng về kỹ thuật văn bản và kỹ thuật lập pháp, bảo đảm ngắn gọn, dễ thực hiện, dễ hiểu và dễ đánh giá.