Đáp: Theo Điều 30, Nghị quyết liên tịch số 72/2025/NQLT/UBTVQH15-CP- ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 20.2.2025 quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tổ chức để ĐBQH tiếp xúc với cử tri có liên quan trực tiếp đến đối tượng điều chỉnh của các dự án luật, các dự án khác mà Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.
Theo yêu cầu của ĐBQH, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm liên hệ với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức để ĐBQH tiếp xúc đúng đối tượng cử tri theo yêu cầu của ĐBQH. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo, tạo điều kiện để cử tri thuộc đối tượng đại biểu quan tâm tham dự tiếp xúc cử tri. Tại hoạt động tiếp xúc cử tri, ĐBQH chủ động nêu những vấn đề mà mình quan tâm tìm hiểu để trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm ghi biên bản tiếp xúc cử tri của ĐBQH.
Với hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố, nơi ĐBQH ứng cử hoặc chuyển sinh hoạt đến, tại Điều 31 quy định: Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ĐBQH có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi mình ứng cử hoặc chuyển sinh hoạt đến. Chậm nhất là 20 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tiếp xúc cử tri, ĐBQH có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về chương trình, kế hoạch, nội dung tiếp xúc cử tri, nơi ĐBQH đến tiếp xúc cho Đoàn ĐBQH địa phương để sắp xếp, bố trí thời gian, địa điểm và chuẩn bị các điều kiện để ĐBQH tiếp xúc cử tri.
Tùy theo nơi làm việc của ĐBQH tại địa phương hoặc ở trung ương, mà Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức nơi ĐBQH làm việc có trách nhiệm liên hệ với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức ở địa phương nơi đại biểu dự định tiếp xúc cử tri để tổ chức tiếp xúc cử tri.
Đoàn ĐBQH địa phương có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa bàn ĐBQH đến tiếp xúc để tổ chức; thông báo, tuyên truyền, vận động cử tri đến dự tiếp xúc.
Đoàn ĐBQH địa phương, nơi ĐBQH ứng cử hoặc chuyển sinh hoạt đến có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức nơi ĐBQH làm việc bảo đảm các điều kiện để ĐBQH tiếp xúc cử tri; phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, ghi biên bản tiếp xúc cử tri khi đại biểu yêu cầu. Tại hoạt động tiếp xúc cử tri, ĐBQH chủ động nêu những vấn đề mà mình quan tâm tìm hiểu để trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri.