Thay đổi tư duy về phá sản doanh nghiệp
Một trong những nội dung mới nổi bật của dự án Luật Phá sản (sửa đổi) là quy định về phục hồi doanh nghiệp trước khi phá sản. Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến, dự thảo Luật bổ sung Chương thủ tục phục hồi, quy định về mở thủ tục phục hồi, xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, hội nghị chủ nợ.
Tại Chương này cũng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán trong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi mở thủ tục phục hồi; các biện pháp khuyến khích phục hồi: khoanh tiền thuế nợ, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Nội dung mới được bổ sung còn có nhiệm vụ, quyền hạn của hội nghị chủ nợ, điều kiện thông qua nghị quyết hội nghị chủ nợ; việc đình chỉ thực hiện phương án phục hồi, đình chỉ thủ tục phục hồi và hậu quả pháp lý…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu
Đánh giá cao nội dung mới này tại dự thảo Luật, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới coi phá sản là một hoạt động bình thường của quá trình kinh doanh, thậm chí hiểu phá sản theo nghĩa phục hồi là chính, chấm dứt cái này để chuyển sang cái kia. Tuy nhiên, trong văn hoá Việt Nam, phá sản vẫn bị coi là xấu, là thất bại. Do đó, rất cần bổ sung chế định về phục hồi doanh nghiệp khi sửa đổi Luật Phá sản.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nên xác định phá sản và phục hồi là hai công đoạn tách bạch hay phục hồi thực chất là một công đoạn trong quá trình phá sản của một doanh nghiệp, hợp tác xã? Đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ nghiêng về phương án coi phục hồi là một công đoạn của phá sản; đồng thời đề nghị, cần thiết kế dự thảo Luật theo hướng: nếu phục hồi không thành công thì phải "kích hoạt" quá trình phá sản. "Trên thực tế, tồn tại rất nhiều doanh nghiệp "xác sống", bản chất đã rơi vào phá sản từ lâu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động lay lắt để được hưởng cơ chế, chính sách, mặt bằng..., gây tổn hại đến lợi ích quốc gia", đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phát biểu
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nhận định, hiện nay nhu cầu giải quyết thủ tục phá sản rất lớn nhưng số vụ việc được giải quyết chưa nhiều, thời gian thủ tục kéo dài. Nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã lâu nhưng không giải quyết được phá sản, giống như "chết nhưng không được chôn".
Những doanh nghiệp kiểu này gây ra 3 hậu quả. Một là, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng vì chưa được phá sản nên vẫn chiếm lấy đất đai, lao động, thậm chí chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến cho nguồn lực xã hội bị ách tắc lãng phí. Hai là, công nợ không được giải quyết gây nên nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính. Ba là, luật pháp không được thực thi làm suy yếu lòng tin trong nhân dân và nhà đầu tư.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến phát biểu
Do đó, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng ủng hộ quan điểm thay đổi tư duy về phá sản doanh nghiệp, ưu tiên tiến hành thủ tục phục hồi trước phá sản. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần "gia công" thêm nội dung này theo hướng quy định rõ hơn để tăng tính chủ động và linh hoạt của thủ tục này ở giai đoạn sớm hơn, khi doanh nghiệp mới chỉ có nguy cơ mất khả năng thanh toán. “Nếu doanh nghiệp chưa rơi vào mất khả năng thanh toán thì việc phục hồi mới có ý nghĩa”.
Ưu tiên quyền tự quyết của doanh nghiệp
Với thủ tục phá sản, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có bổ sung chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng và khắc phục vướng mắc từ thực tiễn. Vậy nên quy định về thời điểm nào sẽ tuyên bố bắt đầu quá trình phá sản?
Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ thời điểm nào sẽ tuyên bố bắt đầu quá trình phá sản. Bởi nếu đưa ra các tiêu chí không chính xác thì sẽ dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, vì đôi khi doanh nghiệp chỉ khó khăn ngắn hạn về dòng tiền, chưa hoàn toàn mất khả năng thanh toán.

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu phát biểu
Tại khoản 1, Điều 41 dự thảo Luật quy định “chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 6 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”. Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, quy định này chưa hợp lý, vì việc doanh nghiệp chưa thanh toán được khoản nợ trong thời gian này đôi khi lại là chiến lược của họ, hoãn trả nợ, chấp nhận tiền phạt để đổi lấy một cơ hội đầu tư khác.
Cho rằng “nếu Toà án tuyên bố ngày doanh nghiệp phá sản dựa vào thời điểm thanh toán nợ là không đúng", đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, quy định thời điểm phá sản buộc phải có tiêu chí kinh tế và nhìn dưới góc độ của dòng tiền hơn là quy định cứng dựa vào thời điểm thanh toán nợ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu...
Từ thực tế của doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, cần ưu tiên quyền tự quyết của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi trước phá sản. Phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh phải là của doanh nghiệp (người quản lý và các cổ đông), không thể do các chủ nợ xây dựng và quyết định tại hội nghị chủ nợ như quy định hiện nay tại dự thảo Luật. “Đây là một thẩm quyền của doanh nghiệp đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, nếu cần tiền thì cổ đông sẽ là người đầu tiên rót tiền vào "cứu" doanh nghiệp, chứ không phải chủ nợ cứu”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu
Để bảo đảm hiệu quả của thực hiện phục hồi, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát, học tập kinh nghiệm từ soạn thảo Luật Doanh nghiệp hiện hành để quy định cá thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp, không quy định chung chung kiểu "doanh nghiệp có trách nhiệm" như tại dự thảo Luật.
Về nội dung mới này của dự án Luật Phá sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trên thế giới có rất nhiều thương hiệu lớn, thương hiệu toàn cầu được tái sinh từ ngưỡng cửa phá sản. Trong khi đó, Việt Nam chưa có khung pháp lý và những chính sách đủ mạnh để khuyến khích phục hồi trước phá sản. "Phải làm sao để chúng ta có đủ khung pháp lý cho các công ty lớn, các quỹ đầu tư tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Và, quan trọng nhất, để phá sản được coi là một thủ tục bình thường trong kinh doanh thì thủ tục phá sản phải đơn giản, ngắn gọn để người dân dễ chấp nhận việc này", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nói.