Thừa thời gian học
Các nghiên cứu cho thấy, thời gian mà thanh, thiếu niên Trung Quốc dành cho học tập nằm trong số các nước cao nhất thế giới. Trẻ em từ 12 - 14 tuổi ở Thượng Hải dành 8 - 9 tiếng mỗi ngày để học chính khóa. Thời gian học trung bình của học sinh là 55 giờ/tuần, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới là 44 giờ. Con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi hầu hết học sinh Trung Quốc còn tiếp tục tham gia các lớp học thêm hoặc gia sư ngoài giờ.
![Hình ảnh trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc năm 2021 kể về một phụ huynh ám ảnh bởi thành tích học tập của con và rơi vào cuộc đua học thêm. Nguồn: Market Place Hình ảnh trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc năm 2021 kể về một phụ huynh ám ảnh bởi thành tích học tập của con và rơi vào cuộc đua học thêm. Nguồn: Market Place](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/90a3a65077cdae5c9bc2bd7a56707ff44eeb7822f267483cf61a588970dc7c4a21f235ba888c84879c670b66da4dfbd6bcbc9c2f936da41783d420eb7efeaeb5/a-love-for-dilemma-photo-7.jpg)
Do áp lực cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh đại học (kỳ thi cao khảo), học sinh trung học phổ thông ở các thành phố hàng đầu của Trung Quốc hầu hết tìm cách cải thiện thành tích học tập của mình qua các lớp học thêm. Tại Thượng Hải, hơn 45% học sinh tham gia các lớp học thêm ít nhất 4 giờ một tuần và hơn 20% dành hơn 4 giờ để học phụ đạo. Giờ học phụ đạo của các em vào cuối tuần cũng tăng từ 0,7 giờ lên 2,1 giờ từ 2005 đến 2015.
Thiếu thời gian ngủ, vận động, vui chơi
Thiếu ngủ đã trở thành một căn bệnh của học sinh Trung Quốc, vì bài tập về nhà, có khối lượng lớn, chỉ có thể được hoàn thành sau giờ học thêm. Nghiên cứu do nền tảng giáo dục Trung Quốc Afanti thực hiện đã chỉ ra rằng 45% học sinh rất vất vả trong việc hoàn thành bài tập về nhà vì thiếu thời gian. 87,6% học sinh trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông (tuổi từ 13 - 18) hoàn thành bài tập về nhà sau 10 giờ tối và ngủ trung bình dưới 8 giờ. 13,3% học sinh tiểu học (tuổi từ 6 - 12) bị thiếu ngủ trầm trọng vào các ngày trong tuần.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khối lượng bài tập về nhà được giao vào các ngày trong tuần có mối tương quan tỷ lệ thuận với tỷ lệ thanh thiếu niên Trung Quốc thừa cân. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Trung Quốc từ 5 đến 19 tuổi đã vượt quá 18% vào năm 2016, gần gấp 5 lần tỷ lệ này được ghi nhận vào năm 1975. Học sinh tiểu học từ 7 đến 8 tuổi đối mặt với nguy cơ béo phì nghiêm trọng nhất, với tỷ lệ 5,7% đối với bé trai và 8% đối với bé gái. 19,6% học sinh lớp 1 bị thừa cân và tỷ lệ béo phì ở học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 đang tăng nhanh hơn so với học sinh từ lớp 4 đến lớp 6.
… và những câu chuyện đáng tiếc
Vào năm 2008, dư luận Trung Quốc rúng động bởi vụ tự tử của một bé gái được coi là thần đồng nhỏ tuổi. Cô bé Đàm Dao (sinh năm 1994) thể hiện tố chất thần đồng từ nhỏ khi 4 tuổi đã vào học lớp 1 và liên tục vượt cấp nên khi 12 tuổi đã là học sinh của một trường chuyên cấp 3 trọng điểm số 1 ở Chi Giang. Năm 2008, cô bé bất ngờ tự tử và để lại một lá thư tuyệt mệnh, trong đó nói rằng đã quá mệt mỏi vì áp lực học tập.
Tự tử được ghi nhận là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở thanh, thiếu niên Trung Quốc. Năm 2013 chứng kiến 79 vụ tự tử ở học sinh tiểu học và trung học có nguyên nhân trực tiếp từ áp lực của nền giáo dục chú trọng thi cử ở Trung Quốc và sự cạnh tranh khốc liệt ở các trường học. Thống kê cho thấy, 63% các vụ tự tử thường xảy ra vào học kỳ thứ hai, thời điểm kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến gần. Trầm cảm do căng thẳng là một yếu tố hàng đầu gây ra tự tử và hơn 10% thanh, thiếu niên Trung Quốc bị trầm cảm. Hơn nữa, Trung Quốc cũng thiếu các nguồn lực để cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý đầy đủ, điều này gây khó khăn cho học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Kỳ vọng và áp lực
Chi phí giáo dục cao dẫn đến áp lực kinh tế đáng kể đối với các gia đình Trung Quốc. Khảo sát hộ gia đình của Viện Nghiên cứu tài chính giáo dục Trung Quốc (CIEFR) cho thấy, các gia đình Trung Quốc đã chi 296 tỷ USD cho giáo dục mầm non và tiểu học từ năm 2016 đến năm 2017, mặc dù giáo dục bắt buộc được miễn học phí hoàn toàn. Các gia đình ở các thành phố hạng nhất chi trung bình 16.800 nhân dân tệ cho giáo dục của học sinh trong giai đoạn giáo dục bắt buộc. Họ coi việc bỏ tiền cho con cái học thêm là khoản “đầu tư cho tương lai”.
Các gia đình Trung Quốc chịu ảnh hưởng của Nho giáo và khoảng cách thu nhập cao giữa các trình độ giáo dục đều có quan niệm rằng, thành tích học tập tốt cũng như việc vào được một trường đại học là con đường duy nhất để có được vị trí trong xã hội sau này. Quan niệm này, cùng với tâm lý đố kỵ và nỗi sợ hãi do thua kém khiến các gia đình tăng chi tiêu cho giáo dục, đặc biệt là cho việc học thêm đắt đỏ sau giờ học.