
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ chung cho Ukraine nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh mới nào có thể tạo nên sự khác biệt trong bối cảnh Donald Trump thúc đẩy đàm phán với Nga.
Tuyên bố của ông Trump về việc đạt được thỏa thuận giải quyết cuộc chiến kéo dài ba năm trong những tuần tới đã làm rúng động châu Âu và làm dấy lên lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến những nhượng bộ đau đớn cho Kiev và khiến châu lục này dễ bị tổn thương trước Nga.
Trước đó, Nhà Trắng đã gửi một bảng câu hỏi tới các đồng minh châu Âu để hỏi liệu họ có sẵn lòng triển khai quân gìn giữ hòa bình đến quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này hay không.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đã bày tỏ sự cởi mở của mình với kịch bản đó. Hôm 17.2, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nói rõ rằng ông sẵn sàng làm như vậy miễn là Hoa Kỳ cung cấp "biện pháp dự phòng".
"Tôi sẵn sàng cân nhắc việc triển khai lực lượng Anh trên bộ cùng với các lực lượng khác nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Nhưng phải có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ vì sự đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ là cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh trở lại", ông Starmer phát biểu.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết đất nước của bà "cởi mở" với ý tưởng gìn giữ hòa bình nhưng cảnh báo rằng vẫn còn "rất nhiều câu hỏi" cần được giải đáp.
"Một điều rất quan trọng là người Mỹ sẽ xem xét những câu hỏi này như thế nào", bà nói. "Liệu họ có ủng hộ người châu Âu trong trường hợp có quân đội trên bộ không?".
Khi được hỏi về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ, bà Frederiksen cho biết "lệnh ngừng bắn không tự động mang lại hòa bình và cũng không tự động mang lại hòa bình lâu dài" và kêu gọi các quốc gia châu Âu "tăng cường" viện trợ cho Ukraine để đưa quốc gia này vào "vị thế tốt nhất có thể" cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ tại Paris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đồng tình việc châu Âu triển khai lực lượng trên bộ tới Ukraine. Ba Lan từ lâu cũng đã tuyên bố sẽ không triển khai quân đội tới Ukraine, lập luận rằng họ có vai trò bảo vệ Trung Âu.
Italy và Tây Ban Nha cũng phản đối việc triển khai quân đội mà không có vai trò rõ ràng hơn của Mỹ. "Phương án triển khai quân đội châu Âu ở Ukraine theo tôi có lẽ là kém hiệu quả nhất và phức tạp nhất" - Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người đến cuộc họp muộn gần 1 giờ, phát biểu.
Châu Âu triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau khi phái đoàn của Mỹ và Nga bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán tại Riyadh, Ảrập Saudi để bàn về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine mà không có sự tham dự của châu Âu.
Tờ The Guardian nhận định Pháp triệu tập cuộc họp khẩn cấp này với mục đích kép là "thể hiện tình đoàn kết của châu Âu với Ukraine và nhắn nhủ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng châu Âu có quyền không thể chối cãi trong việc tham gia đàm phán hoà bình Ukraine".
Cuộc họp khẩn cấp ở Paris không đạt được sự đồng thuận về việc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình của châu Âu tới Ukraine, song có sự thống nhất cao xoay quanh việc tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới.