Ngày 2.2, khoảng 160.000 người đã xuống đường tại thủ đô Berlin (Đức) để phản đối việc đảng đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bắt tay cùng đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho Đức (AfD) nhằm thúc đẩy Dự luật Hạn chế người nhập cư.
Cảnh sát Berlin cho biết đám đông biểu tình tụ tập tại Cổng thành Brandenburg ngay bên cạnh tòa nhà Quốc hội Đức (Bundestag) để bày tỏ sự phản đối đảng CDU và lãnh đạo đảng Friedrich Merz, người dự kiến sẽ trở thành Thủ tướng Đức trong tương lai.
Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ có nội dung "Chúng tôi là tường lửa, không hợp tác với AfD", "Thật đáng xấu hổ cho CDU".
Trước đó, hôm 1.2, hàng chục nghìn người cũng đã xuống đường ở nhiều thành phố khác của Đức như Hamburg, Stuttgart và Leipzig để biểu tình phản đối sự hợp tác giữa CDU/CSU và AfD về để siết chặt các quy định nhập cư.
Ngày 29.1, CDU cùng AfD, Liên minh Cơ đốc giáo (CSU), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) đệ trình lên Quốc hội một dự luật Hạn chế người nhập cư. Dự luật yêu cầu siết chặt kiểm soát biên giới với các nước, hạn chế việc đoàn tụ gia đình đối với một số người tị nạn và kêu gọi từ chối nhập cảnh nhiều người nhập cư hơn tại biên giới.
Phản ứng trước các cuộc biểu tình phản đối trên, ông Merz nói rằng đảng của ông chỉ "đang đấu tranh cho đa số ở một trung tâm chính trị rộng lớn". Ông Merz đã lập luận rằng dự luật này là một phản ứng cần thiết đối với một loạt vụ tấn công ở đám đông do những người có xuất thân từ dân nhập cư gây ra.
Mặc dù vậy, dự luật của CDU đã bị Quốc hội Đức bác bỏ hôm 31.1, với tỉ lệ bỏ phiếu 349 phiếu phản đối, 338 ủng hộ.
Việc dự luật về người nhập cư không được thông qua đã giáng một đòn mạnh vào vị thế của ông Merz, trong bối cảnh đảng của ông đang dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò và nhiều khả năng ông sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức trong cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 23.2 tới.