
Theo luật mới, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến khoáng sản sẽ được ưu tiên cấp quyền khai thác, dựa trên quy mô đầu tư, giá trị gia tăng và số lượng việc làm tạo ra. Đồng thời, các doanh nghiệp khai thác ở giai đoạn “sản xuất và vận hành” sẽ phải ưu tiên cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa trước khi xuất khẩu. Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp khai thác theo hệ thống cấp phép cũ sẽ phải trải qua một cuộc kiểm toán môi trường trước khi được gia hạn và chuyển đổi sang hệ thống mới.
Luật sửa đổi cũng mở rộng quyền tiếp cận khai thác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tổ chức tôn giáo, điều trước đây chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Ban đầu, dự luật cho phép các trường đại học tham gia khai thác mỏ, nhưng sau đó quy định này bị loại bỏ. Thay vào đó, một số doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát hoặc tư nhân sẽ quản lý khu vực khai thác để hỗ trợ nghiên cứu và cấp học bổng. Việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng phán quyết của Tòa án Hiến pháp năm 2021 (lúc đó tòa ra kết luận rằng một số điều khoản khai khoáng là vi hiến), đồng thời giúp Indonesia kiểm soát tốt hơn nguồn tài nguyên, thúc đẩy công nghiệp chế biến khoáng sản trong nước và củng cố vị thế của mình với tư cách là nước sản xuất niken hàng đầu thế giới.