Đó là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng và GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bài viết: “Thực trạng đổi mới quản trị đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và những kiến nghị: Vai trò của Hội đồng trường”.
Quản trị đại học hiệu quả là công cụ chủ lực để thực hiện tự chủ đại học
GS.TSKH. Bùi Văn Ga khẳng định: Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đặt nền tảng căn bản cho sự phát triển bền vững của GDĐT nước ta nói chung và cho lĩnh vực GDĐH nói riêng. Nghị quyết đã chỉ ra những thay đổi căn bản về mục tiêu giảng dạy là chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang hỗ trợ người học phát triển năng lực toàn diện; chuyển tư duy quản lý bao cấp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Trên nền tảng đó thì quản trị đại học hiệu quả là công cụ chủ lực để thực hiện tự chủ đại học cũng như để đạt được các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Quản trị đại học là cấu trúc của các mối quan hệ nhằm mang đến sự gắn kết các cấu phần của nhà trường để thiết lập chính sách, xây dựng kế hoạch và đưa ra các quyết định sát đúng với tình hình thực tế hiện tại cũng như định hướng tương lai lâu dài; chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng xã hội và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả hoạt động của nhà trường.
Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga, để trở thành một trường ĐH xuất sắc thì nhà trường phải hội tụ ba yếu tố (1) hệ thống quản trị hiệu quả; (2) nguồn lực vật chất dồi dào; (3) đội ngũ giảng viên xuất sắc và tuyển được nhiều sinh viên tài năng. Yếu tố thứ nhất rất quan trọng mà lâu nay chúng ta ít quan tâm. Trong thực tế nếu có nguồn lực dồi dào mà quản trị kém hiệu quả thì chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục cũng hạn chế và khó có khả năng đưa nhà trường trở thành cơ sở giáo dục xuất sắc.
Khi có hệ thống quản trị tốt thì tự chủ đại học giúp cho các cơ sở GDĐH hoạt động hiệu quả hơn, làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, đa dạng hóa các hoạt động GDĐH. Tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình. Tự chủ giúp các trường độc lập và chủ động trong việc xây dựng quy hoạch chiến lược, tài chính, chương trình đào tạo, tuyển dụng sinh viên, nhân sự… Trách nhiệm thể chế là sợi dây pháp lý ràng buộc để các trường hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định, đảm bảo quyền lợi của người học.
Quản trị đại học không trực tiếp thực hiện hai nhiệm vụ chính của trường là đào tạo và nghiên cứu khoa học nhưng nó tác động gián tiếp giúp nâng cao chất lượng các hoạt động này và từ đó, tạo nên uy tín của nhà trường.
Quản trị đại học hình thành vận mệnh của một trường đại học, quyết định thành công hoặc thất bại của bất kỳ trường đại học nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập hiện nay. Quản trị đại học đã trở thành công cụ đòn bẩy chính để cải thiện chất lượng trong mọi lĩnh vực hoạt động của giáo dục đại học…
Trên thế giới có 4 mô hình quản trị đại học chính: mô hình nhà nước quản lý-kiểm soát hoàn toàn; mô hình bán tự chủ; mô hình bán độc lập; mô hình độc lập (Mỹ, Anh, Úc…). Ở các nước, dù là mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn thì các cơ sở GDĐH vẫn được tự chủ ở mức độ nhất định.
Đối với mô hình độc lập thì nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát hệ thống đảm bảo chất lượng, các cơ sở GDDH tự chủ, chịu trách nhiệm cao. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dần từ hệ thống nhà nước kiểm soát sang hệ thống nhà nước giám sát.
Hệ thống quản trị đại học hiện đại cần tách bạch vai trò quản trị (trách nhiệm của hội đồng trường) ra khỏi vai trò quản lý (trách nhiệm của ban giám hiệu). Tách việc quản trị ra khỏi những mối quan hệ về quyền lợi vật chất để Hội đồng trường có thể quyết định các chính sách, chiến lược, định hướng phát triển và giám sát các hoạt động của cơ sở GDĐH, chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội.
Theo quy định của Luật GDĐH của nước ta cũng như thực tế ở các nước phát triển thì Hội đồng trường được xem như cơ quan quyền lực cao nhất của trường. Hội đồng trường giám sát các hoạt động của trường và thay mặt nhà trường làm việc với các đối tác bên ngoài. Hội đồng trường chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội về các hoạt động của trường.
Trong thành phần của Hội đồng trường có một số chuyên gia về kinh tế, tài chính và pháp luật… để có thể giúp trường tính toán hiệu quả chi phí đầu tư cũng như hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quy định.
Quyền lực Hội đồng trường còn hạn chế
Hai chuyên gia PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng và GS.TSKH. Bùi Văn Ga cho rằng, tuy Luật GDĐH đã quy định rất rõ quyền lực của hội đồng trường nhưng trong thực tế, quyền lực của Hội đồng trường còn rất nhiều hạn chế.
Cơ quan chủ quản can thiệp vào các vấn đề tự chủ đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở GDĐH. Thực chất ở nước ta cơ quan chủ quản đóng vai trò gần giống Hội đồng trường của cơ sở GDĐH ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, tài chính của cơ sở GDĐH còn phụ thuộc vào ngân sách được giao, các cơ sở GDĐH không có nguồn tài chính ổn định trong dài hạn.
Một số trường đã thực hiện tự chủ tài chính thì nguồn thu học phí cũng chỉ đủ trang trải tiền lương giảng viên và một phần chi tiêu thường xuyên, không có nguồn lực đầu tư phát triển. Hoạt động của Hội đồng trường ở nhiều trường còn mang tính hình thức.
Trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội của Hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt. Xã hội chưa nhận thấy vai trò của Hội đồng trường. Cụ thể:
Về thành phần bên ngoài tham gia Hội đồng trường: đa số các thành viên bên ngoài trường tham gia Hội đồng trường đều là lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo UBND địa phương hay lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương. Ở những địa phương có nhiều trường Đại học thì thường một lãnh đạo doanh nghiệp/địa phương tham gia nhiều hội đồng trường.
Theo nguyên tắc thì người đại diện địa phương tham gia Hội đồng trường sẽ thay mặt cho địa phương xử lý những vướng mắc liên quan của nhà trường. Tuy nhiên đa số những thành viên tham gia đều không có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề đó nên thực tế thành phần đại diện cho địa phương tham gia Hội đồng trường không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ mà nhà trường mong đợi. Mặt khác, do một người tham gia nhiều Hội đồng trường nên không bố trí đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến có chất lượng ở các kỳ họp.
Về chức năng của Hội đồng trường trong quyết định những vấn đề lớn của nhà trường: Theo quy định của Luật GDĐH thì Hội đồng trường là Hội đồng quyền lực, quyết định những vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà trường.
Tuy nhiên trong thực tế việc xử lý những vấn đề lớn của trường được thực hiện theo các bước như trước khi có Hội đồng trường: tập thể lãnh đạo trường dự kiến/đề xuất, thông qua Ban thường vụ Đảng ủy/Đảng ủy cuối cùng đưa ra hội đồng trường biểu quyết thông qua.
Thực tế hầu như không có vấn đề nào Đảng ủy đã thông qua mà Hội đồng trường bác bỏ. Như vậy thực tế thì vai trò của Hội đồng trường trong quá trình ra quyết định rất mờ nhạt, không hiệu quả như mong đợi.
Mối quan hệ giữa Luật GDĐH và các Luật khác liên quan đến hoạt động của trường Đại học: Hoạt động của Trường Đại học chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ dựa vào Luật GDĐH. Vì vậy, mặc dù Luật GDĐH đã có rất nhiều đổi mới, giao quyền tự chủ cho nhà trường nhưng các Luật khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác không thay đổi thì các trường cũng không thể thực hiện tự chủ đúng nghĩa của nó được. Ví dụ công tác bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường vẫn phải làm theo đầy đủ các bước, người không có trong quy hoạch thì không bổ nhiệm được.
Giải trình và trách nhiệm xã hội của Hội đồng trường rất mờ nhạt
GS.TSKH. Bùi Văn Ga cho rằng, hoạt động của trường đại học chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ dựa vào Luật GDĐH. Mặc dù Luật GDĐH đã có rất nhiều đổi mới, giao quyền tự chủ cho nhà trường nhưng các Luật khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác không thay đổi thì các trường cũng không thể thực hiện tự chủ đúng nghĩa của nó được. Các chức năng của Hội đồng trường hiện nay còn thuộc cơ quan chủ quản và Đảng ủy.
Theo quy định hiện hành thì Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của trường đại học. Hiệu trưởng tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quyết nghị của Hội đồng trường.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng trường trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu nhà trường được thực hiện như là quan hệ giữa Đảng ủy với cơ quan chủ quản khi chưa có Hội đồng trường.
Hiện nay trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu nhà trường, Hội đồng trường chỉ làm bước trung gian để chuyển hồ sơ lên cơ quan chủ quản để công nhận/bổ nhiệm. Vì vậy Hội đồng trường hiện nay thực tế chỉ thêm một công đoạn trung gian, không có ý nghĩa gì nhiều.
Trong thực tế trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội của Hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt. Xã hội chưa nhìn nhận vai trò của Hội đồng trường. Khi nhà trường có xảy ra sai phạm thì cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm, ít ai để ý đến trách nhiệm của Hội đồng trường.
Cơ quan chủ quản trao quyền cho Hội đồng trường
Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga, để Hội đồng trường là hội đồng quyền lực thực sự thì nó phải thay chức năng của cơ quan chủ quản trường đại học. Điều này có nghĩa là cơ quan chủ quản trao quyền cho Hội đồng trường thay mặt mình hoạch định chiến lược phát triển và kiểm soát mọi hoạt động của trường.
Đồng thời Hội đồng trường chịu trách nhiệm trước xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về thành bại trong hoạt động của nhà trường. Mỗi một Hội đồng trường có thể xem như là một “cơ quan chủ quản thu nhỏ” của trường đại học. Có bao nhiêu trường đại học thì có bấy nhiêu “cơ quan chủ quản thu nhỏ”.
Như vậy các trường đại học sẽ hết sức đa dạng, cạnh tranh rất lành mạnh để phát triển. Trường đại học nào có “cơ quan chủ quản thu nhỏ” (tức Hội đồng trường) tốt sẽ hoạt động có hiệu quả hơn và phát triển tốt hơn.
Điều này yêu cầu sửa đổi rất nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan như luật tài chính, luật đầu tư công, luật công chức, viên chức… Trong các văn bản này cần thay thế cơ quan chủ quản bằng Hội đồng trường. Chẳng hạn đầu tư công cho trường thì Hội đồng trường làm thay các công việc mà cơ quan chủ quản hiện đang làm; Hội đồng trường làm thay cơ quan chủ quản công nhận/bổ nhiệm người đứng đầu nhà trường…
Thực tế cách tiếp cận hiện tại về Hội đồng trường là chia sẻ quyền lực giữa Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường. Nếu chúng ta chỉ loay hoay với cách tiếp cận này thì việc thành lập Hội đồng trường không có ý nghĩa gì nhiều.
Cần thay đổi cách tiếp cận mới, đó là cơ quan chủ quản trao quyền của mình cho Hội đồng trường để cho các trường tự chủ hoàn toàn. Quyền lực của Hội đồng trường là quyền lực mới do cơ quan chủ quản trao lại chứ không phải quyền lực do chia sẻ với Hiệu trưởng.
Cơ quan chủ quản chỉ đạo, kiểm soát hoạt động của trường thông qua người đại diện của cơ quan chủ quản trong hội đồng trường. Người đại diện của cơ quan chủ quản trong Hội đồng trường là thành viên rất quan trọng, có trách nhiệm lớn lao trước nhà trường cũng như trước cơ quan chủ quản. Vì thế cơ quan chủ quản cần có quy chế rõ ràng quy định rõ trách nhiệm của thành viên này khi tham gia hội đồng trường, cách thức truyền đạt ý kiến của cơ quan chủ quản, cách thức thảo luận để đưa ra quyết nghị của Hội đồng trường.
Nhất thể hóa theo mô hình 1 như các Đại học Quốc gia
GS.TSKH Bùi Văn Ga phân tích, về vị trí Chủ tịch Hội đồng Đại học, Hội đồng trường thì hiện nay chúng ta cơ bản có 4 mô hình: (1) Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc/Hiệu trưởng, (2) Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng, (3) Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng và (4) Chủ tịch Hội đồng trường là lãnh đạo của cơ quan chủ quản.
Đối với các mô hình 1, 2, 3 thì Hiệu trưởng là thành phần đương nhiên của Hội đồng trường còn mô hình 4 thì Hội đồng trường hoàn toàn độc lập, gồm những thành viên cơ quan chủ quản và thành viên ngoài trường, Hiệu trưởng cũng như những cán bộ quản lý khác của trường không có trong thành phần Hội đồng trường.
Mô hình 4 đang áp dụng đối với các Trường Đại học Việt-Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt-Pháp). Đây là mô hình mới về quản trị đại học mà nước ta đang thí điểm nhờ các dự án vốn vay của WB và ADB.
Các mô hình thí điểm này đi theo hướng tách rời trường đại học ra khỏi cơ quan chủ quản để hoạt động độc lập với Hội đồng trường đảm bảo đầy đủ quyền lực như mô hình quản trị đại học của các nước tiên tiến.
"Các mô hình 2 và 3 cơ bản không khác biệt gì nhiều vì thường Bí thư, Phó Bí thư và Hiệu trưởng đều là thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy cho nên các quyết sách cũng như nhau. Vì thế, theo chúng tôi, trong khi trường đại học vẫn còn cơ quan chủ quản như hiện nay thì phương án tốt nhất là nhất thể hóa theo mô hình 1 như các Đại học Quốc gia để tránh sự chồng lấn và xung đột trong vai trò của Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và Bí thư Đảng ủy.
Khi thay đổi cơ chế quản trị đại học, các trường không còn cơ quan chủ quản nữa thì theo mô hình 4 như các Trường Đại học Việt-Đức, Trường Đại học Việt-Pháp" - GS.TSKH Bùi Văn Ga khuyến nghị.
Hội đồng trường nên được tổ chức theo mô hình độc lập
GS.TSKH Bùi Văn Ga cho rằng, Hội đồng trường của phần lớn các trường đại học hiện nay chủ yếu làm nhiệm vụ thông qua các nghị quyết sau khi đã được Đảng ủy và tập thể lãnh đạo trường nhất trí đưa ra. Trên thực tế Hội đồng trường chưa phải là hội đồng quyền lực như kỳ vọng.
Cần đổi mới cách tiếp cận quyền lực của Hội đồng trường theo hướng cơ quan chủ quản giao quyền của mình cho Hội đồng trường thay vì Hội đồng trường chia sẻ quyền lực của Ban Giám hiệu như hiện nay.
Vai trò của cơ quan chủ quản đối với trường giảm dần theo sự lớn mạnh và hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của trường đại học cũng cần được điều chỉnh theo hướng giao cho Hội đồng trường làm các chức năng mà cơ quan chủ quản đang làm hiện nay đối với trường Đại học.
Trong khi các trường còn có cơ quan chủ quản như hiện nay thì lãnh đạo Hội đồng trường nên được tổ chức theo hướng nhất thể hóa như các Đại học Quốc gia. Khi vai trò của cơ quan chủ quản giảm dần và vai trò tự chủ của trường tăng lên thì Hội đồng trường nên được tổ chức theo mô hình độc lập như các trường đại học theo mô hình mới đang được thí điểm ở nước ta.