Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Đội ngũ Nhà giáo cần tự học, tự đổi mới, tự vượt qua giới hạn bản thân để phát huy sự ưu tú"

Các Nhà giáo cần tiếp tục tự học, tự đổi mới, tự vượt qua giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho giáo dục của đất nước.

Đó là lời nhắn gửi của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đến các thầy, cô giáo tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024 diễn ra sáng 17.11 tại Hà Nội.

Đội ngũ nhà giáo là hạt nhân lan tỏa cảm hứng tích cực

Tại Lễ trao tặng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiệt liệt chúc mừng 21 Nhà giáo nhân dân, 65 nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo đã có mặt tại buổi Lễ.

nth-6680.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước Việt Nam" (Ảnh: Trần Hiệp)

Theo Bộ trưởng, tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước Việt Nam. Nhiều năm nay, ngành Giáo dục đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Bộ trưởng khẳng định, qua bề dày lịch sử lâu dài, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu quan trọng, ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đặc biệt, giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong suốt thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW đã cho thấy GD-ĐT nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục diễn ra sâu rộng, thống nhất trên phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp học, bậc học. Tinh thần đổi mới giáo dục hiện diện ở hầu hết các nơi trên cả nước. Chất lượng GD-ĐT các cấp học, bậc học không ngừng được đổi mới và nâng cao. Đặc biệt, hoạt động đổi mới diễn ra sâu sắc hơn cả đối với bậc giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Đối với giáo dục phổ thông, triển khai Chương trình GDPT 2018 với việc chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chu trình 5 năm đầu tiên. Theo đó, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà ngày càng gia tăng.

Đối với giáo dục đại học, tự chủ đại học đang được triển khai sâu rộng với những chuyển biến tích cực từng bước trong tự chủ về học thuật, tài chính và tổ chức.

nth-6330.jpg
tth-7128-copy.jpg
Các đại biểu tham dự buổi Lễ (Ảnh: Trần Hiệp)

Lực lượng nhà giáo tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với những tín hiệu vui về chế độ chính sách để phát triển đội ngũ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mới đây, trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.

Quán triệt quan điểm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã trình và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 8 đang diễn ra. Bộ GD-ĐT quyết tâm xây dựng Luật Nhà giáo để lực lượng nhà giáo đón nhận Luật với tâm thế “thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh” theo như lời Tổng Bí thư đã nói.

nth-7680.jpg
Đội ngũ Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn (Ảnh: Trần Hiệp)

Có được những kết quả lớn và quý báu như trên, theo Bộ trưởng, phải kể tới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh,…. Đặc biệt, trong đó nhất định phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo. Những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, và đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn.

Cũng theo Bộ trưởng, làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó.

nth-6853.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân tới các nhà giáo (Ảnh: Trần Hiệp)

Để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân, lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

"Nhân ngày nhà giáo, chúng ta chúc mừng nhà giáo là đương nhiên và hợp lẽ. Nhưng với các nhà giáo ưu tú, cần chúc mừng một cách đặc biệt, bởi sự ưu tú và những đóng góp ưu trội của các thầy cô cho giáo dục, cho cộng đồng. Sự ghi nhận với các đóng góp của mỗi cá nhân nhà giáo là cần thiết.

Với người ưu tú cần sự ghi nhận, biểu dương và cảm ơn đặc biệt, cũng bởi sự đóng góp đặc biệt của họ đối với ngành Giáo dục và đối với xã hội. Nhân dịp đặc biệt này, tôi muốn bày tỏ sự tự hào, tri ân, cảm ơn và chúc mừng đặc biệt tới các nhà giáo ưu tú đã được lựa chọn cho dịp đặc biệt hôm nay”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Phát huy vai trò của Nhà giáo trong đổi mới giáo dục đào tạo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thách thức mà ngành giáo dục phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn. Sau một quá trình thực hiện đổi mới thành công bước đầu với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đã tới lúc phải tập trung đổi mới và nâng cấp giáo dục mầm non.

nth-6699.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Trần Hiệp)

Các nhiệm vụ cần thực hiện là huy động trẻ, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, phổ cập mầm non theo độ tuổi, đảm bảo đủ giáo viên, đủ cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội, lo cơ sở vật chất, an toàn trường học, chống bạo hành và an toàn thực phẩm, đủ giáo viên và đảm bảo các điều kiện để giáo viên an tâm công tác.

Cùng với đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Cần có một lần đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu hơn. Đó là đổi mới hướng tới hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ vùng khó, phát huy cho vùng thuận và hướng tới chuẩn quốc tế.

Trong điều kiện đó, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 như kỳ vọng trong Kết luận 91-KL/TW gần đây của Bộ Chính trị.

Đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, cùng với việc triển khai tự chủ đại học theo chiều sâu, một trong những nhiệm vụ trước mắt cần phải thực hiện là hiện đại hóa cơ sở vật chất giảng dạy, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu vốn còn rất nghèo nàn và lạc hậu so với các đại học tiên tiến trên thế giới.

nth-7642.jpg
nth-7626.jpg

Đối với giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, các địa phương cần hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chú trọng với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỉ lệ người mù chữ cao…

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu toàn ngành Giáo dục phải quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.

"Các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.

Các thầy cô là những người ưu tú thì cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành Giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi gắm.

nth-6656-1.jpg
Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Yên Bái Vũ Thị Hạnh phát biểu (Ảnh: Trần Hiệp)

Đại diện cho gần 340 nhà giáo được vinh danh, Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Yên Bái, cô Vũ Thị Hạnh bày tỏ xúc động khi nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Đội ngũ nhà giáo nhận thức sâu sắc rằng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu được vinh danh hôm nay không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi bản thân mỗi người phải cố gắng hơn nữa.

Cô Hạnh cho rằng, năm học 2024 - 2025 là năm học nhiều thách thức khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng cho toàn bộ các cấp học ở bậc phổ thông. Lứa học sinh đầu tiên sẽ thực hiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, cấu trúc đề thi mới, cả xã hội đang dõi theo kết quả đổi mới của nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển vượt bậc và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo những cơ hội và thách thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.

"Chúng tôi xin hứa, mỗi thầy cô phải là nguồn động lực thúc đẩy cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị; là những hạt nhân toả ra nguồn năng lượng tích cực nhất, ảnh hưởng, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp, tới học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam", cô Hạnh nói.

Năm 2024, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo. Tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ GD-ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng vinh danh 251 nhà giáo tiêu biểu trong toàn quốc.

Tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII.

Giáo dục

Phát hành sách về phòng, chống ma túy trong trường học
Giáo dục

Phát hành sách về phòng, chống ma túy trong trường học

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa phát hành cuốn tài liệu tuyên truyền “Phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục, trường học”.

Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ an ninh tư tưởng của Đảng
Giáo dục

Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ an ninh tư tưởng của Đảng

Internet và các phương tiện thông tin - truyền thông phát triển mạnh mẽ tạo cơ hội cho thế lực thù địch, phản động xâm nhập vào Việt Nam. Thế hệ thanh niên, sinh viên cần là lực lượng xung kích, kịp thời ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực cực đoan, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Xã hội hóa sách giáo khoa: Có môn học tới 10 cuốn sách giáo khoa
Giáo dục

Xã hội hóa sách giáo khoa: Có môn học tới 10 cuốn sách giáo khoa

Triển khai công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa. Theo đó, môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa, môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học.

Trường đại học chỉ “căng mình” với KPI thì không thể có khoa học cơ bản
Giáo dục

Trường đại học chỉ “căng mình” với KPI thì không thể có khoa học cơ bản

GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển cho rằng, nếu các trường đại học đào tạo khoa học cơ bản chỉ “căng mình” với KPI, ISI/ Scopus rồi những định mức chi tiêu tính trên đầu sinh viên, giảng viên thì không thể có khoa học cơ bản Việt Nam.

Hai trường đại học Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với Trường Đại học Giao thông Thượng Hải
Giáo dục

Hai trường đại học Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với Trường Đại học Giao thông Thượng Hải

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tới thăm và làm việc với Trường Đại học Giao thông Thượng Hải. Bộ trưởng mong muốn 2 trường đại học của Việt Nam sẽ thiết lập được quan hệ hợp tác với Trường Đại học Giao thông Thượng Hải trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đào tạo về đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.

Tổ hợp tự nhiên bị "lép vế" với tổ hợp xã hội: Do công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế
Giáo dục

Tổ hợp tự nhiên bị "lép vế" với tổ hợp xã hội: Do công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế

Để giảm thiểu chênh lệch tỷ lệ chọn môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, các chuyên gia giáo dục cho biết, quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác hướng nghiệp, định hướng ở các cấp học, giúp học sinh thoát khỏi tâm lý "Học ứng thí - Học để thi".

Sẽ thí điểm giáo dục tài chính cho học sinh
Giáo dục

Sẽ thí điểm giáo dục tài chính cho học sinh

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết tài chính, trong khuôn khổ hợp tác giữa UNICEF và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2024-2025, một hợp phần về "Thích ứng bộ tài liệu giáo dục tài chính cho học sinh Việt Nam" đã được xây dựng. Bộ tài liệu này sẽ được triển khai thí điểm tại một số tỉnh đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bảo đảm ngân sách cho công tác dinh dưỡng học đường
Chính trị

Bảo đảm ngân sách cho công tác dinh dưỡng học đường

Từ thực tiễn địa phương, tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động dinh dưỡng học đường trong các chương trình mục tiêu quốc gia; sửa đổi các quy định liên quan như Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú…